

9 năm trước, dịp Trung tâm Âm nhạc Sen Hồng tròn 1 tuổi, chúng tôi có đến thăm và tạm gọi đây là một lớp nhạc vui. Nhạc sĩ Lê Thanh Xuân khi ấy cho biết anh chọn Trung tâm Văn hóa quận 11 để “đầu quân” vì có phòng ốc mới xây khang trang, nằm ven thành phố nên dễ “cạnh tranh” và cũng do được các anh chị quản lý văn hóa ở quận 11 ủng hộ nhiệt tình.
Tuy vậy, mở trung tâm dạy nhạc thì chọn dạy những gì, dạy thế nào? Nếu chỉ quanh quẩn với mấy lớp dạy đánh đàn giải trí như một số chỗ khác thì quả là vô vị với một nhạc sĩ từng phụ trách Đoàn Văn công Cà Mau, tốt nghiệp đại học piano, có nhiều hoài bão đưa âm nhạc cổ điển, âm nhạc bác học ra đại chúng. Mà khi ấy Trung tâm Sen Hồng chưa đủ điều kiện trang bị đủ nhạc cụ và cả học sinh cũng hiếm em đủ điều kiện theo đuổi. Trăn trở này đã dẫn nhạc sĩ Lê Thanh Xuân đi đến một lời giải: mở lớp nhạc giao hưởng trên organ. Lúc bấy giờ, đó là việc làm táo bạo, nhạc sĩ Lê Thanh Xuân tạm dùng chữ “thể nghiệm”.

Trình diễn giao hưởng trên organ tại Trung tâm Sen Hồng.
Trở lại Sen Hồng vào dịp kỷ niệm 10 thành lập trung tâm, chúng tôi không khỏi bất ngờ. Sen Hồng nay đã là một trung tâm âm nhạc bề thế mà không có trung tâm âm nhạc cấp quận nào sánh được. Đây đã là một nhạc viện thu nhỏ, với đầy đủ lớp nhạc: piano, violon, guitar, thanh nhạc, organ, các nhạc cụ bộ gõ, các nhạc cụ dân tộc, sáng tác, và có cả một số môn kiến thức âm nhạc theo hệ thống của Nhạc viện TPHCM…
Hàng trăm học viên lớn có, nhỏ có sáng tối vui tươi tập luyện dưới sự chỉ dẫn của 2 thạc sĩ và gần 10 nhạc sĩ tốt nghiệp nhạc viện. Sen Hồng không chỉ dạy nhạc, dạy hát mà còn tham gia nhiều chương trình hợp xướng của TPHCM, nhiều chương trình liên hoan văn nghệ của quận 11. Dàn nhạc giao hưởng trên organ – mô hình thể nghiệm ngày đó - nay đã phát huy hiệu quả rõ rệt, với các buổi biểu diễn khí nhạc và hợp xướng và ca nhạc nhẹ với phong cách chuyên nghiệp.
THÚY VĂN