Theo Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Văn Hùng, trong 30 năm, từ 1986 - 2016, số đơn vị hành chính cấp huyện từ 431 đã tăng lên 713; đơn vị hành chính cấp xã tăng từ 9.657 lên 11.162 (bình quân mỗi năm tăng 50 xã). Quá trình chia, tách đơn vị hành chính đã đạt được một số kết quả tích cực, thúc đẩy sự phát triển về kinh tế - xã hội...
Tuy nhiên, có một số bất cập và hạn chế như: bộ máy các cơ quan nhà nước ngày càng cồng kềnh, tăng biên chế cán bộ, công chức, viên chức. Chi ngân sách nhà nước tăng, do tăng biên chế và quỹ tiền lương xây dựng trụ sở, mua sắm mới trang thiết bị làm việc, tăng chi thường xuyên.
Cũng theo ông Hùng, dựa vào tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện nay có 259 huyện, 6.191 xã trong cả nước chưa đạt 50% tiêu chuẩn. Tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết 18 với yêu cầu đến năm 2021 sắp xếp thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên; từ năm 2022 - 2030, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo tiêu chuẩn quy định. Vì vậy, các đơn vị hành chính cấp huyện, xã chưa đạt tiêu chuẩn sẽ phải sắp xếp lại. Trong đó ưu tiên sáp nhập nguyên trạng một đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đạt tiêu chuẩn vào một đơn vị hành chính cùng cấp liền kề.
Về lộ trình thực hiện, trong năm nay, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng xong đề án. Năm 2019, bố trí nguồn kinh phí cần thiết cho việc xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã. Năm 2020, hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn lại chưa đạt 50% tiêu chuẩn diện tích tự nhiên, dân số; sắp xếp tổ chức bộ máy, giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư. Đến năm 2021 sẽ tổng kết và xây dựng đề án tổng thể sắp xếp từ năm 2022 - 2030.