30 năm vươn mình, “thay da đổi thịt”

Sau 30 năm tái lập, kiến thiết (1992-2022), tỉnh Sóc Trăng với xuất phát điểm nền kinh tế rất thấp, độc canh cây lúa, kết cấu hạ tầng yếu kém, tỷ lệ hộ nghèo trên 36,7%... đã không ngừng nỗ lực, vươn mình thoát khỏi tình trạng kém phát triển.
Lĩnh vực thủy sản của Sóc Trăng đạt giá trị xuất khẩu trên 1,03 tỷ USD, năm 2021
Lĩnh vực thủy sản của Sóc Trăng đạt giá trị xuất khẩu trên 1,03 tỷ USD, năm 2021

Vượt qua thách thức

Tháng 12-1991, Quốc hội khóa VIII quyết định phân lại địa giới một số tỉnh, trong đó Hậu Giang được chia thành 2 tỉnh gồm Cần Thơ và Sóc Trăng. Đầu tháng 4-1992, tỉnh Sóc Trăng với 7 đơn vị hành chính (6 huyện, 1 thị xã), diện tích hơn 3.138 km2, dân số hơn 1 triệu người chính thức đi vào hoạt động. Khi mới tái lập, Sóc Trăng gặp nhiều thách thức, khó khăn chồng chất khó khăn như: xuất phát điểm của nền kinh tế rất thấp, nông nghiệp chủ yếu là độc canh cây lúa; phần lớn diện tích đất nông nghiệp bị nhiễm mặn, nhiễm phèn (trên 80% đất nông nghiệp chỉ canh tác 1 vụ lúa/năm); thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo trên 36,7%; cơ sở vật chất thấp kém, mạng lưới giao thông, hệ thống điện, thông tin liên lạc chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế, xã hội…  

Với truyền thống cách mạng, đoàn kết một lòng, ý chí quyết chiến, quyết thắng, Đảng bộ, quân dân Sóc Trăng đã sớm bắt tay vào kiến thiết tỉnh nhà. Giai đoạn 1992-2000, xác định 2 thế mạnh của địa phương là nông nghiệp và thủy sản, Sóc Trăng đã triển khai đầu tư hàng loạt công trình thủy lợi đê sông, đê biển trọng yếu, giúp bảo vệ hơn 52.400 ha đất sản xuất. Từ đó, tạo điều kiện khai hoang, phục hóa, thâm canh tăng vụ lúa và màu, hoạt động nuôi trồng thủy sản diễn ra thuận lợi. 

Năm 1992, toàn tỉnh chỉ 21/81 xã có điện, đến năm 2000 điện lưới quốc gia đã về 100% trung tâm xã, nâng tổng số hộ sử dụng điện lên hơn 50,48%. Đáng chú ý là công trình xây dựng đường điện 220 kV vượt sông Hậu qua cù lao Dung giúp đời sống người dân vùng cù lao sông nước có nhiều thay đổi. Với nỗ lực trên, giai đoạn 1993-2000, Sóc Trăng tăng trưởng GDP trung bình 11,62%, GDP từ 122USD lên 297USD, tỷ lệ hộ nghèo từ 36,7% giảm còn 18,45%...

Giai đoạn 2001-2010, Sóc Trăng tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới toàn diện. 9 năm đầu tái lập, Sóc Trăng vẫn đối diện nhiều thách thức như: nguồn nhân lực chưa đáp ứng tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các vùng, đặc biệt là vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc Khmer; kinh tế nông nghiệp chiếm cơ cấu chính; kết cấu hạ tầng còn hạn chế... Dù vậy, với ý thức tự lực, tự cường, đoàn kết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sóc Trăng đạt được nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, tăng trưởng GDP trung bình 10,84%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần nông nghiệp, tăng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 thực hiện 7.485 tỷ đồng, tăng 5.727 tỷ đồng so với năm 2000; GDP từ 297USD tăng lên 884USD; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 8,26%; xóa lớp học tre lá và phòng học 3 ca từ năm 2005; đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục THCS từ cuối năm 2008; 92,5% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; cuối năm 2010 có 100% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa…

Bứt phá phát triển

Giai đoạn 2010-2022, kế thừa những nền tảng, kinh nghiệm có được trong quá trình kiến thiết tỉnh nhà, Sóc Trăng đã có sự bứt phá mạnh mẽ trên tất cả lĩnh vực. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XII, XIII và XIV tập trung xác định mũi nhọn “phát huy tiềm năng, lợi thế, sự năng động, sáng tạo để phát triển kinh tế - xã hội một cách nhanh chóng, bền vững”. 

Từ Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tỉnh tập trung đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất các giống lúa chất lượng cao, lúa đặc sản. Kết quả, đã làm nên tên tuổi của nhóm giống lúa ST vang danh cả nước và thế giới, với gạo ST24 đoạt giải “Top 3 gạo ngon nhất thế giới năm 2017”, gạo ST25 đoạt giải “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019”. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị của hạt gạo Việt Nam trên trường quốc tế.

Với lĩnh vực thủy sản, Sóc Trăng là một trong những địa phương tiên phong phát triển theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, gắn sản xuất với chế biến và xuất khẩu. Đến cuối năm 2021, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh là 76.765 ha, giá trị xuất khẩu thủy sản 1,03 tỷ USD (tăng 2,5 lần so với năm 2010) và là địa phương có giá trị xuất khẩu thủy sản thuộc tốp 10 của cả nước.

Về công nghiệp, bằng việc tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế của tỉnh như: chế biến nông sản, thủy sản xuất khẩu, sản xuất hàng tiêu dùng, may mặc... tỉnh đã xây dựng 5 khu công nghiệp, 6 cụm công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy khá cao. Từ đó, mang về giá trị sản xuất công nghiệp hơn 35.250 tỷ đồng, tăng gấp 2,89 lần so với năm 2010. Đặc biệt, giai đoạn này ngành công nghiệp năng lượng (nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời áp mái…) tại Sóc Trăng có sự phát triển vượt bậc. Hiện toàn tỉnh đã có 4 dự án điện gió hoàn thành đưa vào vận hành thương mại, hòa lưới điện quốc gia với tổng công suất 110,8MW; dự kiến năm 2022 sẽ có thêm 6 nhà máy điện gió hoàn thành hòa lưới điện, nâng tổng công suất lên 296MW, giúp Sóc Trăng trở thành một trung tâm năng lượng tái tạo tại khu vực ĐBSCL.

Điều dễ nhận thấy là đời sống nhân dân trong tỉnh được nâng cao rõ rệt, GDP năm 2021 đạt 2.031USD, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 6,64% (khoảng 22.000 hộ). Quy mô kinh tế tỉnh Sóc Trăng hiện đạt hơn 57.000 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 0,68% so với cả nước), tăng trưởng giai đoạn 1993-2021 bình quân 10,18%/năm. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được chú trọng, qua đó nâng cao nhận thức, thống nhất về tư tưởng và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự đồng thuận trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Sau 30 năm tái lập, tỉnh Sóc Trăng có 11 đơn vị hành chính, trong đó TP Sóc Trăng vừa được công nhận đô thị loại II trực thuộc tỉnh, 2 thị xã và 8 huyện, tổng dân số hơn 1,2 triệu người. Từ những bước phát triển mạnh mẽ đã giúp Sóc Trăng từ một tỉnh nghèo, thuần nông, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém… trở thành tỉnh cơ bản thoát khỏi tình trạng kinh tế kém phát triển. 

Tin cùng chuyên mục