4 bộ, 12 địa phương trọng điểm giám sát về trật tự, an toàn giao thông

Tại phiên thảo luận chiều 12-9, UBTVQH dự kiến tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023” vào năm 2024. Trọng điểm giám sát gồm 4 bộ, 12 địa phương, do Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương làm Trưởng đoàn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp

Được triển khai trên phạm vi cả nước, Đoàn giám sát dự kiến thực hiện giám sát tại Chính phủ, các bộ: GTVT, Công an, Quốc phòng, Y tế, Tài chính, TT-TT, GD-ĐT, Tư pháp, Xây dựng, KH-ĐT. Trong đó, trọng điểm giám sát là Bộ Công an, Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng thuộc đối tượng giám sát, trong đó có 12 địa phương Đoàn công tác đến làm việc trực tiếp, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Đồng Nai, TPHCM, Cần Thơ.

Bên cạnh đó, đoàn tiến hành khảo sát tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan, như Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Hãng hàng không Vietjet Air, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Xí nghiệp xe buýt Hà Nội, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TPHCM, Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng TP Đà Nẵng; một số doanh nghiệp đường thủy nội địa, hàng hải; một số hãng taxi; một số trường giáo dục phổ thông… Trường hợp cần thiết, Trưởng đoàn giám sát có thể bổ sung một số đơn vị, doanh nghiệp, tổng công ty.

Phát biểu tại phiên họp của UBTVQH, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, phạm vi giám sát rất rộng, thời hạn giám sát dài (15 năm) nên cần cân nhắc kỹ đối tượng và nội dung làm việc để đảm bảo tính hợp lý, khả thi, cũng như có thể bố trí đủ nhân lực giám sát.

Đánh giá cao kế hoạch giám sát đã được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường lưu ý, một số mốc thời gian có thể đẩy sớm hơn. “Đề cương giám sát nên gom lại, gọn hơn để rõ trọng tâm, không bị loãng. Các đồng chí trưởng, phó đoàn đại biểu Quốc hội phản ánh là vào dịp cuối năm dồn việc rất nhiều, các báo cáo nên hoàn thiện sớm hơn”, ông Bùi Văn Cường khuyến nghị. Việc đẩy sớm các mốc thời gian cũng sẽ góp thêm cơ sở hoàn thiện một số dự án luật liên quan đã có trong chương trình xây dựng pháp luật kỳ họp thứ 6 (như Luật Đường bộ, Luật Đảm bảo an toàn giao thông đường bộ)…

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đồng tình: “Thay vì đồng loạt giám sát tất cả các lĩnh vực, thì nên tập trung vào lĩnh vực đường bộ trước, phục vụ công tác xây dựng, hoàn thiện 2 dự án luật này”. Bà Thúy Anh đề nghị bổ sung nội dung giám sát khả năng tiếp cận, sử dụng phương tiện giao thông của nhóm người khuyết tật.

Tin cùng chuyên mục