40 phút đưa cuộc chiến chống khủng bố sang trang

40 phút tiêu diệt Bin Laden
40 phút đưa cuộc chiến chống khủng bố sang trang

40 phút tiêu diệt Bin Laden

Trước bình minh ngày 1-5 (giờ Pakistan), 2 chiếc trực thăng Mỹ đã rời Jalalabad ở miền Đông Afghanistan, tiến vào không phận Pakistan, sử dụng công nghệ tinh vi để thoát khỏi hệ thống radar của nước này, một quan chức Mỹ kể lại.

Tổng thống Mỹ B.Obama và các quan chức Chính phủ Mỹ theo dõi cuộc tập kích tiêu diệt Bin Laden từ Nhà Trắng.

Tổng thống Mỹ B.Obama và các quan chức Chính phủ Mỹ theo dõi cuộc tập kích tiêu diệt Bin Laden từ Nhà Trắng.

2 chiếc trực thăng sau đó đã đáp thấp xuống khu nhà, thả các thành viên SEAL vào bên trong các bức tường. Không có tiếng súng nào được bắn ra. Nhưng ngay sau khi nhóm chạm đất, một chiếc trực thăng đã bị đâm nghiêng xuống đất mà cho đến nay Chính phủ Mỹ vẫn chưa biết lý do. Một thành viên của SEAL bị thương, nhưng sứ mệnh vẫn tiếp tục.

CIA và Nhà Trắng theo dõi trực tiếp tình huống, qua vệ tinh hoặc qua camera gắn trên người các thành viên SEAL. Nhờ hệ thống theo dõi vệ tinh tinh vi, lực lượng Mỹ biết gia đình Bin Laden chắc chắn sống ở tầng 2 và 3 của một trong những ngôi nhà trong khuôn viên họ đột nhập. SEAL đảm bảo bao vây toàn bộ khuôn viên trước, sau đó mới tiến đến phòng Bin Laden đang ẩn. Khi giao tranh, Bin Laden đã dùng một phụ nữ làm lá chắn. Các thành viên SEAL đã tiêu diệt Bin Laden bằng một viên đạn trúng đầu.

Cũng theo giới chức Mỹ, nhóm đặc nhiệm đã lục soát khuôn viên, mang đi các tài liệu, ổ cứng và DVD, có thể cung cấp những thông tin tình báo giá trị về Al Qaeda. Để thực hiện thành công chiến dịch này, các cuộc diễn tập đã được khởi động từ tháng 4-2011. Quân đội Mỹ đã cho thiết lập mô hình căn nhà tương tự nơi Bin Laden trú ẩn ở trại Alpha, một khu vực biệt lập trong căn cứ không quân Bagram, Afghanistan.

Chính phủ Pakistan cho biết, các thành viên trong gia đình của Osama được an toàn và đang được chăm sóc, điều trị với các phương tiện hiện đại nhất.

Afghanistan giúp CIA tìm ra nơi ẩn náu của Bin Laden?

Với CIA, họ luôn ý thức được rằng điểm yếu lớn nhất của Osama chính là những kẻ đưa tin của ông ta. Từ lập luận này, CIA đã tập trung khai thác các nhân vật cao cấp trong mạng lưới khủng bố Al Qaeda bị bắt và có được thông tin về một người đưa thư của Osama Bin Laden. Khi thực hiện một cuộc gọi điện thoại hồi năm ngoái, người đưa tin thân cận nhất của Bin Laden không ngờ rằng y đã dẫn CIA đến sát thềm nhà ông chủ của mình. Rồi sau đó vào giữa năm ngoái, kẻ đưa tin trên đã có một cuộc trao đổi điện thoại với người đang bị tình báo Mỹ theo dõi.

Thông tin về Bin Laden tràn ngập các mặt báo tại Mỹ.

Thông tin về Bin Laden tràn ngập các mặt báo tại Mỹ.

Lần theo các cuộc gọi sau đó của vệ sĩ người Kuwait này cho các đồng bọn Al Qaeda ở hai thành phố Kohat và Charsada (tỉnh Khyber Pakhtunkhwa - Pakistan), tình báo Mỹ đã dò tìm ra dinh thự giống như pháo đài ở thị trấn Abbottabad (cách thủ đô Islamabad khoảng 120km về phía Bắc) vào mùa thu năm 2010.

Tuy nhiên, ngày 3-5, một quan chức tình báo của Afghanistan tiết lộ cơ quan tình báo nước này đã giúp CIA xác định được nơi ẩn náu của Osama hồi tháng 8 năm ngoái. Chính tình báo Afghanistan đã phát hiện ra những hoạt động bí ẩn của ngôi dinh thự và thoạt đầu họ tin rằng Mawlawi Abdul Kabir đang ẩn náu trong đó. Tình báo Afghanistan đã chia sẻ thông tin này với người Mỹ. Tuy nhiên sau đó tình báo Afghanistan đã không được tham gia vào các hoạt động điều tra tiếp theo. Theo AFP, khi cuộc tiêu diệt lịch sử này xảy ra, Đại sứ Mỹ  Marc Grossman tại Islamabad đã tuyên bố với báo giới rằng “kết cục của Bin Laden” là thành công chung của 3 nước (ám chỉ Afghanistan, Pakistan và Mỹ)

Pakistan biện bạch

Pakistan là một trong những đồng minh quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng Pakistan sẽ phải đối mặt với sức ép lớn trong việc giải thích tên trùm khủng bố của mạng lưới Al Qaeda trú ngụ tại một biệt thự gần một căn cứ quân sự như thế nào. Washington không khỏi nghi ngờ liệu Islamabad có che giấu trùm khủng bố?

Mỹ đã hành động một mình trong vụ đột kích hôm thứ hai vừa qua, không thông báo cho Pakistan, đến khi sứ mệnh kết thúc và rõ ràng là cũng không cảm ơn Pakistan khi sứ mệnh thành công tốt đẹp.

Trả lời một cuộc phỏng vấn ngày 3-5 của Tạp chí Time, Giám đốc CIA Leon Panetta cho biết phía Mỹ đã không thông báo cho Islamabad về kế hoạch tiêu diệt Osama vì lo ngại các cộng sự Pakistan sẽ “cảnh báo” cho trùm khủng bố này biết. Tất cả những điều này dự báo một mối quan hệ có thể căng thẳng hơn nữa trong tương lai giữa Mỹ và Pakistan. Chủ tịch Ủy ban An ninh nội địa Thượng viện Mỹ Jopseph Lieberman ngày 2-5 cho biết, Pakistan phải chứng minh với Mỹ rằng nước này không biết Bin Laden đã lẩn trốn tại một khu nhà gần thủ đô Islamabad.

Tuy nhiên, ngày 3-5, Tổng thống Asif Ali Zardari bác bỏ cáo buộc rằng việc đặc nhiệm Mỹ hạ sát Osama Bin Laden ở Pakistan cho thấy nước này đã thất bại trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuy Pakistan không trực tiếp tham gia vụ tập kích tiêu diệt Bin Laden, ông Zardari nói Pakistan đã đóng vai trò quan trọng trong suốt những năm qua. Trong một bài xã luận đăng trên tờ Washington Post, ông Zardari nói đất nước Pakistan có lẽ “là nạn nhân đầu tiên của khủng bố”.

Thế giới tăng cường an ninh

Người dân ở khắp nơi đón đọc thông tin về cái chết của Bin Laden.

Người dân ở khắp nơi đón đọc thông tin về cái chết của Bin Laden.

Mạng lưới Al Qaeda ngày 2-5 cũng đã lên tiếng thề trả đũa việc Bin Laden bị các lực lượng của Mỹ tiêu diệt. Đây là lần đầu tiên tổ chức này thừa nhận thủ lĩnh của họ đã chết. Mạng lưới này khẳng định cuộc thánh chiến của người Hồi giáo chống lại phương Tây còn lâu mới kết thúc.

Cùng ngày, Mỹ cho biết nước này sẽ đóng cửa đại sứ quán của mình tại Islamabad và 3 lãnh sự quán tại các thành phố khác của Pakistan cho đến khi có thông báo mới.

Còn Chính phủ Tây Ban Nha cũng yêu cầu các công ty và các tổ chức phi chính phủ hoạt động tại Pakistan tăng cường cảnh giác. Bộ trưởng Nội vụ Alfredo P. Rubalcaba nhận định “trong vài tuần hoặc vài tháng tới, các lợi ích của Tây Ban Nha ở nước ngoài sẽ là mục tiêu trả thù cho Bin Laden”.

Không riêng gì các nước phương Tây tăng cường an ninh đề phòng Al Qaeda trả đũa sau khi trùm khủng bố Al Qaeda Bin Laden bị tiêu diệt tại Pakistan, ngày 3-5, cảnh sát liên bang Malaysia cho biết đã tăng cường an ninh tại một số nơi quan trọng trong cả nước. Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva cùng ngày cũng đã chỉ đạo tất cả các quan chức liên quan giám sát chặt chẽ mọi phản ứng sau cái chết của Bin Laden.

Ngăn chặn được cuộc “báo thù” đầu tiên cho Bin Laden

Ngày 3-5, tại tỉnh biên giới Nuristan, Đông Bắc Afghanistan đã xảy ra cuộc xung đột được coi là dấu hiệu báo thù đầu tiên của các phần tử cực đoan sau khi trùm khủng bố Osama Bin Laden bị tiêu diệt.

Theo Reuters, khoảng 25 tay súng nước ngoài đã thiệt mạng và bị thương sau khi bị các binh sĩ Afghanistan tại quận Barg-e-Matal, tỉnh Nuristan giáp biên giới với Pakistan ngăn chặn khi những người này cố vượt biên sang Afghanistan. Theo Tỉnh trưởng Jamaluddin Badr, đây là thành công của chiến dịch tăng cường an ninh nhằm ngăn chặn mọi cuộc tấn công của các phần tử khủng bố trả đũa vụ trùm khủng bố Bin Laden bị tiêu diệt. Chiến dịch có sự phối hợp với lực lượng của các nước Arab, Tresnia và Pakistan.

Xuân Hạnh – Đỗ Văn

Ai sẽ trở thành thủ lĩnh Al Qaeda?

Giới phân tích cho rằng, cái chết của trùm khủng bố Osama Bin Laden có thể chuyển cương vị chỉ huy tổ chức khủng bố Al Qaeda tới Yemen, quê hương của Bin Laden. Theo người phát ngôn Nhà Trắng, Al Qaeda trên bán đảo Arab hiện được xem là mối đe dọa khủng bố lớn nhất đối với an ninh quốc tế và nằm dưới sự chỉ huy của giáo sĩ thánh chiến người Mỹ gốc Yemen Anwar al-Awlaqi.

Các chuyên gia chống khủng bố tin rằng vùng đồi núi của Yemen có thể là Tora Bora tiếp theo - nơi ẩn náu trước đây của Bin Laden tại Afghanistan. Awlaqi được các chuyên gia xem như nguyên mẫu cho một thế hệ chỉ huy mới của Al Qaeda. Còn theo ông Nadhim al-Jubouri, một chuyên gia về Al Qaeda của Iraq, mặc dù mạng lưới Al Qaeda tuyên bố sẽ trả thù cho Osama Bin Laden, nhưng cái chết của Bin Laden chưa phải là mất mát lớn đối với mạng lưới Al Qaeda. Ông nhận định cái chết của Bin Laden đơn thuần là sự khép lại một chương trong cuốn sách của Mỹ viết về cuộc truy lùng Bin Laden kéo dài 10 năm qua. Bin Laden chết, nhưng Al Qaeda chưa chết, bởi Bin Laden là một lãnh đạo tư tưởng và hầu như đã vắng bóng trên vũ đài, không giống như nhân vật số hai của Al Qaeda là Ayman al-Zawahiri. Al Qaeda không phụ thuộc vào những cá nhân, như tại Iraq tổ chức này vẫn tồn tại bất chấp việc nhiều lãnh đạo của nó bị tiêu diệt. Al Qaeda ngày nay không phải là một tổ chức mà Bin Laden đã thành lập trước kia. Nó có chi nhánh tại Yemen, Marocco, Iraq và nhiều nơi khác.

TTK Ban Ki-moon: Công lý đã được thực thi

Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA LHQ) và Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã hoan nghênh việc các lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố, đồng thời đánh giá đây là một bước ngoặt trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.

Tuyên bố của HĐBA thừa nhận diễn biến quan trọng trên cũng như các thành quả khác trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh “không có lý do gì để biện minh cho các hành động sát hại dân thường” và chủ nghĩa khủng bố không được gắn với “bất kỳ tôn giáo, dân tộc, nền văn minh hay nhóm người nào”.

Tổng Thư ký Ban Ki-moon khẳng định “cái chết của Bin Laden cho thấy công lý đã được thực thi”.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du nhấn mạnh, cái chết của Bin Laden là sự kiện quan trọng và là diễn biến tích cực đối với các nỗ lực chống khủng bố quốc tế. Bà nêu rõ, Trung Quốc phản đối chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức và đang tích cực tham gia các nỗ lực chống khủng bố toàn cầu.

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cũng đánh giá sự kiện Bin Laden bị tiêu diệt là “bước tiến đáng kể” trong cuộc chiến chống khủng bố và bày tỏ hy vọng đây sẽ là đòn nặng giáng vào Al Qaeda và các nhóm khủng bố khác.

Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan coi đây là một bước tiến lớn trong cuộc chiến chống khủng bố và hoan nghênh những nỗ lực của các bên liên quan, trước hết là Mỹ và Pakistan. Bộ trưởng Quốc phòng Toshimi Kitazawa đã ra lệnh cho lực lượng phòng vệ tăng cường cảnh giác trước hoạt động báo thù của các tổ chức khủng bố.

Về phần mình, Iran yêu cầu quân đội nước ngoài rút khỏi Afghanistan sau khi Bin Laden đã bị tiêu diệt. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran ngày 3-5 bày tỏ hy vọng việc Bin Laden bị tiêu diệt sẽ chấm dứt chiến tranh, đổ máu và sát hại những người vô tội.

* Ngày 3-5, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước cái chết của Bin Laden, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nói: “Việt Nam phản đối chủ nghĩa khủng bố và lên án các hoạt động khủng bố dưới mọi hình thức. Những kẻ khủng bố phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình và cần phải bị nghiêm trị. Việt Nam sẽ tiếp tục cùng cộng đồng quốc tế đấu tranh chống khủng bố phù hợp với Hiến chương Liên hiệp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế nhằm loại trừ chủ nghĩa khủng bố”.

Hạnh - Nghĩa

Thông tin liên quan

- Cuộc đấu tranh vẫn tiếp diễn

- B. Obama: Osama Bin Laden đã bị tiêu diệt

Tin cùng chuyên mục