50 năm thăng trầm nhà máy nước lớn nhất Đông Nam Á

Nằm lặng lẽ bên con đường cửa ngõ phía Đông dẫn vào Sài Sòn, ít ai ngờ rằng những hồ chứa, những đường ống nhuộm màu thời gian của Nhà máy nước Thủ Đức đã đi qua chặng đường tròn 50 năm tuổi, khắc trên mình biết bao thăng trầm của thời gian và gắn chặt với lịch sử, với con người Sài Gòn - Gia Định xưa…
50 năm thăng trầm nhà máy nước lớn nhất Đông Nam Á

Nằm lặng lẽ bên con đường cửa ngõ phía Đông dẫn vào Sài Sòn, ít ai ngờ rằng những hồ chứa, những đường ống nhuộm màu thời gian của Nhà máy nước Thủ Đức đã đi qua chặng đường tròn 50 năm tuổi, khắc trên mình biết bao thăng trầm của thời gian và gắn chặt với lịch sử, với con người Sài Gòn - Gia Định xưa…

Cánh chim đầu đàn ngành cấp nước 

Năm 1966, khi đó Sài Gòn không đất chật người đông như bây giờ, Nhà máy nước Thủ Đức được hình thành để đảm đương nhiệm vụ cung cấp hơn 90% nguồn nước sạch người dân Sài Gòn. Đến nay, sau 50 năm với nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng cao thì quy mô sản xuất nhà máy nước cũng tăng dần và hiện đã chạm ngưỡng 750.000m³/ngày đêm và đây được xem như nhà máy nước có quy mô sản xuất nước lớn nhất khu vực Đông Nam Á hiện nay.

Sứ mạng của Nhà máy nước Thủ Đức nằm tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức hiện không đơn thuần giữ vai trò điều tiết toàn bộ hệ thống cấp nước cho TPHCM có dân số trên 10 triệu người mà còn là cái nôi của ngành cấp nước chuyên đào tạo để cho ra đời những người thợ, kỹ sư chuyên ngành cấp nước và đầu mối giao lưu hợp tác, nghiên cứu giữa ngành cấp nước trong và ngoài nước.

Theo nhận định của các chuyên gia ngành cấp nước, dù có tuổi đời thuộc hàng thâm niên so với nhiều nhà máy nước khác tại khu vực, nhưng đơn vị chủ quản vận hành nhà máy đã luôn đầu tư, cải tiến công nghệ để nhà máy luôn dẫn đầu về năng suất cấp nước dảm bảo chất lượng và hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM đúng như mục tiêu ngành cấp nước TPHCM đặt ra cho nhà máy này là “An toàn, Liên tục, Chất lượng, Hiệu quả, Tiết kiệm”.

Theo Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), thực hiện nhiệm vụ chính trị đảm bảo cung ứng đầy đủ nước sạch cho nhu cầu sinh hoạt, đời sống của nhân dân thành phố và cho sản xuất, với nhu cầu sản lượng tiêu thụ tăng dần lên hàng năm và đòi hỏi chất lượng nước sạch ngày càng cao, tiến đến uống nước trực tiếp tại vòi, Nhà máy nước Thủ Đức là đơn vị đi đầu trong công tác cải tạo, nâng cấp, thay đổi, áp dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ thông tin trong sản xuất nước để tăng sản lượng, đồng thời nâng cao chất lượng nước.

Cụ thể, nếu tiền thân của nhà máy nước Thủ Đức là Sở sản xuất nước sông Đồng Nai được khánh thành chính thức hoạt động từ ngày 12-12-1966 với công suất tối đa là 450.000m³/ngày thì sang giai đoạn 1975 - 1982 khi nền kinh tế nước ta còn bao cấp, kinh tế bị cấm vận nhiều mặt thì đơn vị quản lý nhà máy vẫn khắc phục khó khăn duy trì hoạt động nhà máy ổn định, thay thế hoàn chỉnh hệ thống bơm nước sông và hoàn tất công tác phủ than cho các bể lọc để nâng công suất nhà máy tăng lên khoảng 560.000m³/ngày.

Sang giai đoạn 1982 - 1985, với nguồn vật tư sẵn có từ trước năm 1975, nhà máy đã thực hiện thay 6 bộ cánh bơm có công suất lớn hơn cho 6 bơm nước sông Hóa An nâng công suất lên khoảng 650.000m3/ngày. Theo thời gian, do nhu cầu sử dụng nước sạch ngày càng tăng nên ngành cấp nước tiếp tục cải tạo dây chuyền công nghệ hệ thống châm hóa chất, cải tạo bể lọc và nâng cấp trạm bơm nước sạch để nâng tổng công suất nhà máy lên 750.000m³ /ngày đêm như hiện nay.

Nhà máy nước Thủ Đức

 Đảm bảo “an ninh nguồn nước”

Bí quyết nào để một nhà máy nước sạch có tuổi đời nửa thế kỷ này luôn đảm bảo cung cấp nước được an toàn, liên tục, đại diện Sawaco chia sẻ rằng trong những năm qua nhà máy này đã thực hiện nhiều đợt thay mới máy móc thiết bị chính như: thay 3 máy biến thế 5.000 kVA ở trạm bơm Hóa An (lần 1 năm 1997, lần 2 năm 2013) và 2 máy biến thế 5.000 kVA ở Thủ Đức (lần 1 năm 1998, lần 2 năm 2016), thay 6 động cơ bơm nước sông ở Hóa An và 5 bơm nước lọc ở Thủ Đức, thay cánh bơm của 6 bơm nước sông Hóa An nâng cột áp lên 57 mét... 

Chưa kể ngành cấp nước còn phải thực hiện bảo trì máy móc thiết bị, tu bổ, bảo dưỡng các công trình, đường ống thường xuyên, đúng lịch trình giúp kéo dài tuổi thọ và các công trình xử lý. Theo dõi phát hiện, báo cáo kịp thời các hư hỏng, nhanh chóng sửa chữa, thực hiện tốt quy chế phối hợp với Điện lực Thủ Đức, Biên Hòa đảm bảo nguồn điện cung cấp cho sản xuất an toàn, ổn định, liên tục.

Ngược về thời gian giai đoạn trước năm 1995, sản lượng nước do Nhà máy nước Thủ Đức sản xuất đã chiếm hơn 92% lượng nước cung cấp cho cả TPHCM. Đến năm 2000, do có thêm một số nhà máy nước mới được đầu tư xây dựng như Nhà máy nước Tân Hiệp năm 2004 công suất 300.000 m³/ngày đêm và Nhà máy nước BOO Thủ Đức công suất 300.000m³/ngày đêm nên sản lượng nước cung cấp của Nhà máy Thủ Đức chỉ còn chiếm 77,44% lượng nước cung cấp cho thành phố. Dù đã có thêm các nhà máy mới hoạt động, Nhà máy nước Thủ Đức vẫn như cánh chim đầu đàn trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước cho cả TPHCM với sản lượng đảm nhận hơn 50% tổng nguồn cung nước sạch phục vụ cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân hiện nay.

Với sự hoạt động ổn định và tin cậy, Nhà máy nước Thủ Đức đã trở thành “trung tâm điều tiết” áp lực và sản lượng cho toàn bộ hệ thống cấp nước. Nhà máy sẽ điều tiết giảm khi mạng lưới tiếp nhận nguồn nước mới và sẽ phát tăng dần khi mạng lưới ổn định. Nhà máy sẽ phát bù sản lượng khi có bất kỳ nhà máy nào trong hệ thống gặp sự cố. Nhà máy cũng sẽ điều tiết nhằm đảm bảo sản lượng tiêu thụ trên mạng lưới vào những giờ cao điểm và thấp điểm.

Thách thức còn ở phía trước

Những năm gần đây, do biến động của môi trường cùng việc xả thải chưa qua xử lý của các nhà máy tại các khu công nghiệp đã làm cho chất lượng nước sông Đồng Nai ngày càng suy giảm và dần mất đi tính ổn định và đây chính là khó khăn, thử thách lớn trong công tác xử lý nước của Nhà máy Thủ Đức vốn lấy nước thô từ sông Đồng Nai.

Theo phân tích của các chuyên gia, chất lượng nước sạch không đạt quy chuẩn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe con người, đến nền kinh tế thông qua các hoạt động văn hóa, du lịch, công nghiệp, thương nghiệp, nông nghiệp… vì vậy, công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước luôn được nhà máy xem là nhiệm vụ quan trọng nhất. Ngay từ khi nhà máy hoạt động đến nay, nước sạch do nhà máy sản xuất đã tạo sự tin cậy về chất lượng, tạo nên uy tín thương hiệu “nước thủy cục”, “nước máy” trong lòng người dân thành phố.

 

 Dẫn đầu toàn ngành trong cải tiến kỹ thuật

Trong những năm qua, phong trào sáng kiến khắc phục khó khăn, hợp lý hóa sản xuất và cải tiến công tác quản lý luôn luôn được Sawaco và nhà máy quan tâm cùng với sự nỗ lực của cán bộ - công nhân viên, nhà máy luôn vẫn là đơn vị dẫn đầu trong phong trào này, chiếm 60% tổng số sáng kiến của toàn ngành cấp nước thành phố. Từ năm 2002 đến 2012, nhà máy có 26 sáng kiến, giá trị làm lợi tính được tương đương 8,6 tỷ đồng. Ngoài ra trong quá trình sản xuất nhà máy luôn quan tâm vấn đề tiết kiệm và đây là việc làm thường xuyên từ những công việc nhỏ nhặt nhất. Cán bộ công nhân viên luôn kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng nước, điều chỉnh kịp thời liều lượng hóa chất xử lý nước, có chế độ vận hành bơm đã tiết kiệm nhiều hóa chất và điện năng tiêu thụ; sử dụng văn phòng phẩm, điện thoại, bố trí xe công tác một cách hợp lý đã tiết kiệm nhiều cho chi phí thường xuyên, kết quả từ năm 2004 đến năm 2014 đã tiết kiệm được tương đương 23 tỷ đồng.

 

Để chất lượng nước sạch sản xuất luôn đạt yêu cầu, đơn vị vận hành nhà máy đã thực hiện chặt chẽ quy trình kiểm tra, giám sát qua từng công đoạn, theo dõi qua hệ thống đo chất lượng nước liên tục (trực tuyến), thực hiện tốt kế hoạch cấp nước an toàn với mục tiêu chung là cấp nước an toàn, chất lượng sản phẩm nước sạch đạt ở mức tốt nhất vượt hơn yêu cầu của quy chuẩn của Bộ Y tế, tiêu chuẩn quy định để tiến đến có thể uống trực tiếp ngay tại vòi. Ngoài ra, nhà máy còn phối hợp với các nhà máy sử dụng chung nguồn nước sông Đồng Nai trong việc chia sẻ, trao đổi thông tin về chất lượng nước để kịp thời xử lý khi có biến động phối hợp với Nhà máy thủy điện Trị An để đẩy mặn mùa khô.

Việc tích cực đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ thông tin và đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị từ đó nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm năng lượng điện, hóa chất nên chi phí sản xuất nước của nhà máy thường thấp hơn so với chi phí sản xuất tại các nhà máy khác thuộc Sawaco và các nhà máy nước trong ngành. Trong đó chi phí sản xuất nước của nhà máy gồm: chi phí nguyên vật liệu trực tiếp (chiếm tỷ trọng 56,43%), chi phí nhân công (chiếm tỷ trọng 6,43%), chi phí khấu hao (chiếm tỷ trọng 19,35%) và chi phí chung khác (chiếm tỷ trọng 17,79%).

Ngoài việc đảm bảo sản xuất cung cấp nước sạch cho thành phố, Nhà máy nước Thủ Đức còn được biết đến là đơn vị luôn đi đầu trong việc bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành cấp nước TPHCM. Sau năm 1975, số lượng cán bộ kỹ thuật, công nhân tay nghề cao còn ở lại làm việc tại nhà máy này rất ít. Để đảm bảo thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao, cán bộ - công nhân viên nhà máy đã tích cực học tập rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn. Qua từng giai đoạn phát triển của nhà máy, đội ngũ cán bộ kỹ thuật không ngừng được bổ sung. Đến nay, nguồn nhân lực tại đây đã đáp ứng rất tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao. Nhà máy cũng luôn chú trọng đào tạo nguồn cán bộ trẻ có năng lực chuyên môn, trình độ quản lý. Cùng với đó là nâng cao tay nghề công nhân nhằm phục vụ yêu cầu hiện đại hóa sản xuất của nhà máy.

Từ khi thành lập đến nay, đơn vị sản xuất nước có quy mô lớn nhất nước này đã đón tiếp rất nhiều đoàn sinh viên, học sinh, các đơn vị trong ngành, các đoàn chuyên gia ở trong và ngoài nước đến tham quan, học tập trao đổi, hợp tác, học hỏi kinh nghiệm. Cụ thể từ năm 2010 đến 2014 đã đón tiếp hơn 4.000 lượt sinh viên, học sinh đến từ các trường đại học, cao đẳng của TPHCM và các tỉnh, thành trong cả nước.

Những con số về sản lượng nước sạch được Nhà máy nước Thủ Đức hoàn thành qua các năm:

Năm

Thực hiện

2006

256.378.068m3

2007

265.374.507m3

2008

283.245.262m3

2009

276.809.378m3

2010

275.768.964m3

2011

269.799.685m3

2012

260.152.789m3

2013

255.336.456m3

2014

246.604.304m3

2015

252.197.871m3

Đinh Gia Anh

Tin cùng chuyên mục