50 năm từ Phòng Hội họa Giải Phóng đến Hội Mỹ thuật TPHCM - Một chặng đường lịch sử

Sáng nay (20-4), Hội Mỹ thuật TPHCM, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM phối hợp tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Phòng Hội họa Giải Phóng (20-4-1962 – 20-4-2012), tại số 5 Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh.

Một số hoạt động kỷ niệm diễn ra, gồm: triển lãm tranh ký họa, kháng chiến, bảo vệ biên giới, biển đảo, xây dựng thành phố; triển lãm hình ảnh hoạt động của Phòng Hội họa xưa; tọa đàm về Phòng Hội họa Giải Phóng (13 giờ 30 – 16 giờ 30) tại hội trường Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM.

Ngày 20-4-1962, từ cánh rừng chiến khu Tây Ninh, Phòng Hội họa Giải phóng đã được thành lập dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục, Mặt trận Giải phóng miền Nam. Nhiệm vụ của phòng nhằm phục vụ công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, và các họa sĩ chịu trách nhiệm thành lập đầu tiên, gồm: Cổ Tấn Long Châu, Trang Phượng, Phạm Minh Sáu. Sau đó một thời gian, các họa sĩ Huỳnh Phương Đông, Thái Hà… từ miền Bắc vào, tổ chức, tập hợp, mở lớp đào tạo, bổ sung lực lượng họa sĩ cho các chiến trường miền Nam.

Đáp ứng lời dạy của Nghệ sĩ cũng là chiến sĩ, các họa sĩ vừa vẽ tranh, vừa chiến đấu. Những bức ký họa kháng chiến ra đời đã được triển lãm trong chiến khu, đưa ra miền Bắc và phổ biến ra thế giới. Một số họa sĩ đạt thành tích xuất sắc đã được phong Dũng sĩ diệt Mỹ, diệt xe tăng, diệt máy bay: Phạm Chiến, Toàn Thi, Đặng Ái Việt…

Phòng Hội họa Giải Phóng cũng chính là tiền thân của Hội Mỹ thuật TPHCM sau này. Sau ngày miền Nam giải phóng, năm 1981, được phép của UBND TP, Hội Mỹ thuật TPHCM thành lập. Các họa sĩ tham gia vào Ban chấp hành hội: Cổ Tấn Long Châu, Huỳnh Phương Đông, Trang Phượng, Thái Hà, Nguyễn Thanh Châu…

Một mặt, những ngày đầu giải phóng, họa sĩ Cổ Tấn Long Châu, Nguyễn Văn Kính là hai người đầu tiên từ chiến khu về tiếp quản hai trường mỹ thuật: Quốc gia Trang trí Mỹ thuật Gia Định và Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn. Về sau, hai trường được sáp nhập, đổi thành Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM. Nhà điêu khắc Nguyễn Phước Sanh được tăng cường từ Hà Nội về làm hiệu trưởng đầu tiên.

Cũng từ đây, một thế hệ họa sĩ, điêu khắc mới từ nhiều miền đất nước đã được đào tạo tại ngôi trường này. Với kinh nghiệm sẵn có từ đội ngũ nghệ sĩ mỹ thuật được đào tạo tại Sài Gòn, nghệ sĩ từ chiến khu về, nghệ sĩ từ Hà Nội vào, nhiều năm qua, Hội Mỹ thuật TPHCM và Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM luôn có phương châm cùng phối hợp hoạt động để đạt hiệu quả tốt cho chuyên môn đào tạo, sáng tạo, quảng bá nghệ thuật.

Một ý nghĩa lớn khác, năm 1987, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM được UBND TP ra quyết định thành lập (giám đốc đầu tiên là họa sĩ Nguyễn Toàn Thi). Nơi đây đã tập hợp được nhiều tranh ký họa kháng chiến mà thời gian gần đây đã được sự quan tâm tìm hiểu của bạn bè thế giới, du khách nước ngoài, đặc biệt là một số cựu chiến binh Mỹ trở lại Việt Nam. Với nhiều nỗ lực phát triển, hiện tại, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM đã góp phần không nhỏ làm nên ý nghĩa và tầm vóc đầy đủ của một trung tâm mỹ thuật phía Nam.

Kim Ửng

Tin cùng chuyên mục