60 năm - đời người vớt xác

60 năm - đời người vớt xác

(SGGP-12G).- Mỗi năm cứ vào mùa lũ là “hà bá” ở sông Đà lại “nuốt” đi một vài người, có năm cả chục người. Và đã hơn 60 năm nay, ở khúc sông nằm cách chân đập thủy điện chẳng bao xa, lặng lẽ giữa “thành phố điện”, có một ông già đánh cá chuyên nghề vớt những thi thể trôi sông để làm phúc.

1. Ông là Ngô Văn Tám, năm nay đã 73 tuổi, một trong hàng trăm thành viên của làng vạn chài Trung Hà thuộc phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, nằm ngay dưới chân cầu Hòa Bình. Cả đời ông mưu sinh bằng nghề đánh cá. Còn vớt những xác người chết đuối, với ông đó chính là “Gặp người hoạn nạn lẽ nào dửng dưng”- ông bày tỏ.

“Nhà” của ông chính là một con thuyền rộng chừng 8-9m2. Đời vạn chài, trong nhà chẳng có gì đáng giá, chỉ có chiếc đài cỏn con, vài bộ áo quần và dăm ba đồ lặt vặt. Có lẽ, đối với ông, món "tài sản" đáng giá nhất là bộ lưới cá và bộ móc câu dùng để đi mò, câu, vớt xác người.

Làng của ông Tám trên dòng sông Đà

Làng của ông Tám trên dòng sông Đà

Rót chén trà mời khách, ông kể về “nghiệp” vớt xác của mình. Vốn sinh ra ở huyện Ba Vì (Hà Nội), từ năm mới 13 tuổi, ông đã theo cha mẹ bước xuống thuyền làm nghề đánh cá. Cha mẹ ông đã qua đời từ lâu nhưng ông vẫn chưa muốn rời bỏ con thuyền. Vốn theo đạo Thiên Chúa, nên ông bảo: “Chúa dạy cứu người cũng là cứu mình. Mỗi khi cứu được một người hoạn nạn, lòng dạ nhẹ nhàng, thanh thản đi nhiều”. Bởi thế, cứ hễ có người chết đuối là ông lại vớt mà không nề hà, đòi hỏi gia đình nạn nhân  phải trả ơn. Nhiều khi đang ngon giấc trưa hoặc giữa đêm hôm mưa gió, có người gọi đi vớt xác ông cũng lao ra sông.

Ông Tám bảo: “Từ trước đến nay, người dân làng chài Trung Hà có một nguyên tắc là khi vớt xác xong không được đòi hỏi tiền công”. Ông nói, nếu gia đình nào biếu thì nhận, còn không thì thôi. Dân chài coi việc cứu người là trách nhiệm.

Ông Tám với bộ câu móc xác

Ông Tám với bộ câu móc xác

2. Ông Tám lôi ra bộ đồ nghề mà ông luôn coi như báu vật. Đó là một bộ móc câu gồm khoảng 200-300 lưỡi được đính với nhau bằng những sợi dây dù. Mỗi lưỡi câu dài khoảng 8cm, uốn cong, mài sắc bằng thép cứng. Nhờ vậy, khi thả xuống sông, các lưỡi câu có thể ngoắc vào quần áo người để kéo lên. Trong làng chài, nhà nào cũng có một bộ lưỡi câu như thế vì công dụng chính của nó là để đánh bắt cá to.

Câu chuyện ông vẫn còn nhớ mãi là có một năm bà con đi đò ngang sang chợ Hưng Hòa thuộc huyện Ba Vì. Đang đi giữa dòng thì gió bão lớn, lật thuyền, 12 người chết. Hay tin là ông vội vàng đi luôn. Ngay mẻ lưỡi câu đầu tiên, ông đã vớt được 7 người.

Còn lại 5 người, do gió quá lớn nên mãi tận đêm ông mới vớt được. Nhìn 12 cái xác chết nằm phủ chiếu ở trên bờ và những thân nhân đang tràn lệ vì đau xót, ông suy tư về thân phận con người. Từ đó, hễ cứ có ai kêu cứu là ông lao đi cứu vớt.    

Một câu chuyện nữa cũng làm ông không thể quên được. Đó là một đêm, một đoàn người ở Trường Thanh niên lao động Hòa Bình từ bên Tân Thịnh đi sang khu trung tâm để xem chiếu bóng. Hồi đó còn chưa có cầu, dân qua sông đều phải gọi đò. Chẳng may con đò bị lật. Nghe tiếng kêu la, ông lao ra, cứu được một lúc 12 người, còn 6 người thì không kịp cứu nên tử nạn. Không ngủ, ngay trong đêm ông thả lưỡi câu, vớt cho kỳ được 6 cái xác lên mới dám về thuyền chợp mắt .

Suốt 60 năm đi vớt xác, cho đến giờ ông cũng không thể nhớ mình đã vớt được bao nhiêu xác và cứu sống được bao nhiêu người. Bây giờ, sức ông đã yếu, nên mỗi khi có người chết đuối, ông không còn cầm lưới kéo xác lên được nữa mà chỉ cho 3 người con trai làm. Cả ba người con trai ông cũng sống nổi trôi trên khúc sông Đà. 

VIỆT LÂM - PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục