(SGGPO).- Ngày 3 – 3, tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM diễn ra cuộc triển lãm tranh của 9 họa sĩ đến từ Hà Nội nhằm giới thiệu tới công chúng TPHCM văn hóa miền bắc nói riêng, Hà Nội nói chung.
Các họa sĩ đến từ Hà Nội
Các họa sĩ tham gia triển lãm thuộc các lứa tuổi khác nhau. Người cao tuổi nhất sinh năm 1940 và họa sĩ ít tuổi nhất sinh năm 1984. Điểm chung giữa các họa sĩ là tất cả đều say mê nghệ thuật, nghệ thuật vì cái đẹp, ca ngợi vẻ đẹp của cuộc sống đời thường.
Họa sĩ Tô Ngọc Thành, con trai họa sĩ Tô Ngọc Vân, người nhiều tuổi nhất đại diện cho nhóm 9 họa sĩ cho biết, triển lãm có tất cả hơn 100 bức tranh, riêng ông mang đến triển lãm 24 bức tranh. Nội dung chủ yếu về Sa Pa, về những sinh hoạt đời thường của người dân tộc.
Tác phẩm “Cô gái Dao đỏ địu con” của họa sĩ Tô Ngọc Thành
“Chúng tôi muốn giới thiệu với công chúng TPHCM những tác phẩm của các họa sĩ Hà Nội, văn hóa của Tràng An, của Hà Nội nghìn năm văn hiến. Mặt khác, cũng mong muốn tiếp cận với công chúng TPHCM, để hiểu thêm thị hiếu của người TPHCM như thế nào”, họa sĩ Tô Ngọc Thành chia sẻ.
Họa sĩ Thanh Nga, nữ họa sĩ duy nhất trong 9 họa sĩ cho biết, chị mang đến triển lãm hơn 10 tác phẩm, nội dung chủ yếu về những ký ức tuổi thơ, ký ức về Hà Nội một thời. Trong đó có bức “Cầu Long Biên – Ký ức tuổi thơ” là tác phẩm đạt giải ba cuộc thi kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội được tổ chức vào năm 2010.
Tác phẩm “Cầu Long Biên – Ký ức tuổi thơ” của họa sĩ Thanh Nga
Nói về tác phẩm này, họa sĩ Thanh Nga kể: “ Hồi mẹ tôi còn sống hay kể về cầu Long Biên, những lúc mà bom đạn đèo chị gái chị đi qua cây cầu này, trong lúc còi báo động báo ầm ầm, không đi qua nhanh thì cũng chết rồi. Những lời mẹ kể để lại trong tôi rất nhiều ấn tượng. Hình ảnh mẹ tôi đạp xe đạp một bên chở con, một bên chở bao dầu đi sơ tán ở Bắc Giang theo tôi mãi sau này”.
Xuân Thủy