95 năm Trường Vẽ Gia Định - Đại học Mỹ thuật TPHCM: Chiếc nôi mỹ thuật phương Nam

Buổi ban đầu cách gần một thế kỷ
95 năm Trường Vẽ Gia Định - Đại học Mỹ thuật TPHCM: Chiếc nôi mỹ thuật phương Nam

Chuẩn bị năm sinh nhật thứ 95 (1913-2008), Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM khắc ghi những dấu son thành công nghệ thuật; đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ, trong đó có không ít họa sĩ đã “xếp bút nghiên, lên đường theo kháng chiến”…

Buổi ban đầu cách gần một thế kỷ

Về lai lịch một ngôi trường, họa sĩ Uyên Huy (Trưởng khoa Mỹ thuật Ứng dụng, Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM), người gắn bó với hoạt động đào tạo mỹ thuật tại Sài Gòn-TPHCM hơn 40 năm, đã mô tả lại quá trình thành lập và sự vận hành của trường cùng bước đi của thời đại. Đầu thế kỷ XX, tại miền Nam, người Pháp đã sớm thành lập trên đất Gia Định, Biên Hòa, Thủ Dầu Một ba ngôi trường chuyên về lãnh vực mỹ thuật phục vụ đời sống. Đó là Trường Mỹ nghệ Bình Dương (1901), Trường Mỹ Nghệ Biên Hòa (1903) và Trường Mỹ thuật Gia Định (1913). Trường Mỹ thuật Gia Định còn được gọi với cái tên thân quen là Trường Vẽ Gia Định.

95 năm Trường Vẽ Gia Định - Đại học Mỹ thuật TPHCM: Chiếc nôi mỹ thuật phương Nam ảnh 1

Tranh Chân dung, sơn dầu của họa sĩ Võ Văn Vinh.

Sự ra đời của Trường Vẽ Gia Định - chiếc nôi mỹ thuật phương Nam, tuy còn ở trình độ sơ cấp nhưng đã đưa nền mỹ thuật Việt Nam đã bước sang giai đoạn mới. Học sinh mỹ thuật Việt Nam đã có cơ hội tiếp xúc với những kỹ thuật tiến bộ về hội họa phương Tây, tiếp cận nền nghệ thuật hiện đại của Pháp song song với việc kế thừa tinh hoa nghệ thuật cổ Việt Nam. Trường Vẽ Gia Định đổi tên qua nhiều lần, về sau được gọi là Trường Quốc gia Trang trí Mỹ thuật Gia Định.

Năm 1954, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn được thành lập. Hoạt động đào tạo của trường này đã góp thêm phần tạo ra bộ mặt mỹ thuật mới tại miền Nam. Điều đáng nói, trong hoàn cảnh lịch sử đất nước giai đoạn chiến tranh, không ít họa sĩ yêu nước của hai trường đã tham gia kháng chiến như Hồ Văn Lái, Lê Văn Kỉnh, Huỳnh Văn Gấm, Lương Đống, Nguyễn Sáng, Lê Vinh, Huỳnh Văn Thuận, Huỳnh Phương Đông, Đoàn Giỏi, Nguyễn Kao Thương, Cổ Tấn Long Châu, Quách Phong… Sau ngày 30-4-1975 miền Nam giải phóng, Phòng Mỹ thuật Trung ương Cục miền Nam tiếp quản cả hai trường.

Trường Quốc gia Trang trí Mỹ thuật Gia Định và Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn được sáp nhập và thành lập mới, với nguồn nhân lực từ hai miền Nam, Bắc. Qua nhiều lần bổ sung, từ năm 1981 đến nay, trường chính thức mang tên Đại học Mỹ thuật TPHCM và trở thành một trong hai trung tâm mạnh trong hoạt động đào tạo mỹ thuật cả nước.

Nhìn lại, các thế hệ giảng viên, nghệ sĩ gắn bó tên tuổi với nhà trường, tiêu biểu: Huỳnh Đình Tựu, Lưu Đình Khải, Đỗ Đình Hiệp, Trương Văn Ý, Lê Văn Đệ, Nguyễn Văn Long, Lê Yên, Nguyễn Văn Quế, Nguyễn Văn Anh, Bùi Văn Kỉnh, Nguyễn Văn Siên, Lê Thành Nhơn, Nguyễn Hoàng Hoanh, Nguyễn Thị Tâm, Dương Văn Đen, Mai Chửng, Huỳnh Văn Mười, Nguyễn Trung, Nguyễn Phước, Hồ Hữu Thủ, Trương Đình Quế, Lê Minh Ngữ, Nguyễn Phước Sanh, Nguyễn Hoàng, Lê Tâm, Nguyễn Phi Hoanh, Hoàng Trầm, Cổ Tấn Long Châu, Võ Văn Vinh, Trịnh Kim Vinh, Nguyễn Thanh Minh, Trịnh Dũng, Nguyễn Huy Long, Phạm Mười, Nguyễn Lệ Dung, Lợi Hoan Trang, Nguyễn Bích Trâm, Đào Minh Tri, Đặng Aùi Việt, Phan Phương Trực, Nguyễn Xuân Đông, Phan Gia Hương, Lê Minh Huy, Nguyễn Xuân Tiên, Lê Đàn, Trần Hữu Tri, Nguyễn Đức Ánh…

Theo hướng đi của thế kỷ mới

Giới thiệu một số hoạt động kỷ niệm 95 năm Trường Vẽ Gia Định- Đại học Mỹ thuật TPHCM, họa sĩ Nguyễn Trung Tín, Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Hợp tác quốc tế cho biết, ngoài những câu chuyện giao lưu, gặp gỡ của thầy trò, bạn bè trong ngày hội trường, ý nghĩa kỷ niệm còn thể hiện đậm nét qua các cuộc triển lãm quy mô. Cuộc triển lãm thứ nhất tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM với khoảng hơn 200 tác phẩm nghệ thuật, tập hợp bộ sưu tập hiếm có, được coi là cuộc hội ngộ của nhiều thế hệ họa sĩ gần 100 năm. Qua tác phẩm, cho thấy nhiều phong cách nghệ thuật thể hiện rõ nét: từ cách vẽ thiên về chi tiết của mỹ thuật Sài Gòn trước 1975 đến cách vẽ theo mảng, khối mạnh mẽ của mỹ thuật Hà Nội, bên cạnh những cây cọ mang tính dung hòa hai phong cách trên...

Nhận xét cuộc triển lãm thứ hai về các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, họa sĩ Uyên Huy nhấn mạnh: đất Gia Định-Sài Gòn từng là cái nôi của lãnh vực mỹ thuật ứng dụng. Tiền thân xa xưa nhất của Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM cũng là trường chuyên dạy về lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng. Thuật ngữ Mỹ thuật ứng dụng là một lĩnh vực cực kỳ lớn chứ không phải là một khoa. Nó bao gồm ba lãnh vực rất lớn: nghệ thuật trang trí, nghệ thuật thủ công, nghệ thuật thiết kế. Mỗi lãnh vực có trên dưới 20 chuyên ngành. Trong tương lai, cần mở thêm nhiều chuyên ngành nữa trước nhu cầu mở cửa, phát triển và hội nhập của đất nước.

Với những hoạt động tổ chức sưu tập các tác phẩm nghệ thuật triển lãm, lễ kỷ niệm 95 năm thành lập Trường Vẽ Gia Định-Đại học Mỹ thuật TPHCM có thể coi là bước “tổng dượt” chuẩn bị kỷ niệm 100 năm tuổi của trường sẽ tổ chức vào năm 2013.

Kim Ửng

Tin cùng chuyên mục