Ai Cập đối mặt với khủng hoảng di sản văn hóa

Cuộc bạo loạn chính trị tại Ai Cập đã đẩy nước này rơi vào một cuộc khủng hoảng mới: khủng hoảng di sản văn hóa. Nhiều báu vật khảo cổ của nước này đã bị “bốc hơi”, nhiều ngôi mộ cổ đã bị cướp phá.
Ai Cập đối mặt với khủng hoảng di sản văn hóa

Cuộc bạo loạn chính trị tại Ai Cập đã đẩy nước này rơi vào một cuộc khủng hoảng mới: khủng hoảng di sản văn hóa. Nhiều báu vật khảo cổ của nước này đã bị “bốc hơi”, nhiều ngôi mộ cổ đã bị cướp phá.

Bảo tàng cổ vật Ai Cập.

Bảo tàng cổ vật Ai Cập.

Chính các cuộc biểu tình rầm rộ ngoài đường phố đã tạo cơ hội cho những hành động phá hoại, ăn cắp. Bảo tàng cổ vật Ai Cập, nơi chứa hơn 100.000 cổ vật quý của Ai Cập, nằm gần quảng trường Tahir, trung tâm của các cuộc biểu tình, bị thiệt hại nặng nề nhất. Dư luận đã lên án thái độ vô trách nhiệm của ông Zahi Hawass, Chủ tịch Hội đồng tối cao cổ vật Ai Cập vì những bản báo cáo không nhất quán về cuộc cướp phá tại bảo tàng cổ vật Ai Cập vào tháng 1.

Ban đầu, ông Zahi Hawass thông báo có 70 cổ vật bị đập vỡ hoặc mất tích, nhưng sau đó lại đưa ra con số là 18, rồi 19. Trong số những hiện vật bị mất có cả những đồ vật vô giá như bức tượng gỗ mạ vàng của Vua Tutankhamen và bức tượng đá vôi của Thần Akhenaton. May mắn là sau đó bức tượng Thần Akhenaton và Vua Tutankhamen đã được tìm thấy. Nhưng thống kê mới nhất cho thấy, số cổ vật bị mất cắp là 54.

Ngoài bảo tàng cổ vật Ai Cập ở Cairo, nhiều bảo tàng nhỏ, di chỉ khảo cổ và những ngôi mộ cổ cũng đã bị cướp phá. Ông Hawass thừa nhận, nhân viên an ninh và bảo vệ tại các khu di tích lớn, bảo tàng không được trang bị vũ khí, nên càng dễ trở thành mục tiêu của kẻ xấu. Lực lượng cảnh sát theo chính quyền mới chưa lập lại được trật tự và lập pháp nên không đủ lực bảo vệ tất cả các di tích, đền đài hay bảo tàng… Dưới sức ép của dư luận, ông đã buộc phải từ chức trước thời hạn.

Ngày 22-3, Bảo tàng cổ vật Ai Cập đã mở cửa trở lại để đón khách tham quan. Dự kiến, số lượng khách sẽ tăng trở lại trong vài tháng tới. Bà Gabriele Pieke, nhà Ai Cập học, Tổng thư ký của Hội đồng Các bảo tàng Ai Cập quốc tế, cho biết do thiếu các tài liệu để đối chứng nên phải mất nhiều năm mới có thể đánh giá hết được những thiệt hại. Việc lên danh sách chính xác những gì đã bị mất cắp là một công việc khó khăn, mặc dù Hội đồng Các bảo tàng quốc tế (ICOM) đã rất nỗ lực nhưng các nhà chức trách bản địa lại tỏ ra miễn cưỡng trong việc hợp tác.

Trước đó, vào tháng 2, UNESCO đã kêu gọi giám sát chặt chẽ thị trường cổ vật nhằm ngăn chặn việc buôn bán các hiện vật bị đánh cắp, kêu gọi các lực lượng an ninh, các nhà sưu tầm và kinh doanh cổ vật hãy cảnh giác.

Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova khẳng định: “Biện pháp quan trọng cần làm là phải theo dõi các cổ vật được rao bán trên mạng cũng như trên thị trường chợ đen”. UNESCO đã cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế như Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), Trung tâm Quốc tế về nghiên cứu và phục hồi các tài sản văn hóa (ICCROM) và Hội đồng Các bảo tàng quốc tế (ICOM) để bảo vệ các cổ vật quý của Ai Cập.

Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục trợ giúp các bảo tàng ở Ai Cập thiết lập các biện pháp an ninh và các cách thức bảo tồn theo chuẩn mực phương Tây.

Thanh Hằng
(Theo Deutsche Welle, China News)

Tin cùng chuyên mục