Chuyên gia người Nhật Bản Tanaka Koji sẽ kết thúc hợp đồng làm Trưởng BTC V-League 2014 trong vài ngày nữa. Trước khi về nước, ông để lại một bản góp ý rất dài về những điều cần thay đổi của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, trong đó bức thiết nhất là việc tái cơ cấu lại hoạt động của các CLB chuyên nghiệp theo mô hình của một doanh nghiệp xã hội địa phương.
Sau buổi tổng kết vào ngày 19-8 và đêm Gala trao giải mùa bóng 2014 vào ngày 20-8, Công ty VPF cũng sẽ hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình theo hợp đồng thay mặt VFF tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp 3 năm. Chưa biết họ có làm tiếp hay không khi vai trò ngày càng trở nên mờ nhạt, không để lại dấu ấn đặc biệt nào nên được ví như “cánh tay nối dài của VFF”. Bản kiến nghị của ông Koji vì thế, chưa biết do cơ quan nào xem xét. Trước đó, Công ty VPF cũng đã mời 3 trọng tài Nhật Bản sang điều khiển những trận đấu quan trọng của V-League. Xong nhiệm vụ thì họ về, trọng tài Việt Nam học hỏi được gì hay không, cũng chẳng biết.
Riêng trong mùa giải 2014, có thể nói bóng đá Việt Nam đã có những chuyển biến mang tính bản lề. VFF ký hợp đồng hợp tác với LĐBĐ Nhật Bản, hợp tác triệt để với công an để đưa ra ánh sáng những vụ bán độ làm rúng động xã hội, thuê chuyên gia, trọng tài, HLV người Nhật Bản sang đảm nhiệm các vị trí quan trọng… Tuy nhiên, những sự giúp đỡ nói trên không thể làm thay công việc của chính những người đang trực tiếp điều hành và quản lý bóng đá Việt. Ví dụ như việc tìm nguồn thu cho các CLB chuyên nghiệp. Đội bóng đứng cuối V-League là Hùng Vương An Giang trong năm đầu tiên chơi bóng chuyên nghiệp chỉ thu được khoản 1,5 tỷ đồng, một con số vô cùng khiêm tốn so với ngân sách bỏ ra xấp xỉ 40 tỷ đồng. Theo lời khuyên của chuyên gia Koji, mỗi CLB phải chủ động nguồn tài chính thì mới nên làm bóng đá chuyên nghiệp, với chênh lệch thu chi như thế thì không thể duy trì đội bóng lâu dài được. Hoặc như việc VFF hô hào làm trong sạch nền bóng đá bằng việc nâng cao chất lượng đào tạo cầu thủ, nhưng hiện nay, đội bóng 3 lần vô địch V-League là Bình Dương cũng chưa thể tự đào tạo, chủ yếu chỉ mua cầu thủ nơi khác về thì lấy gì bảo đảm cầu thủ sẽ có đủ tài lẫn đức. Ngay như việc mời trọng tài Nhật Bản sang “thị phạm” 3 trận đấu V-League để chứng minh khoảng cách về trình độ giữa trọng tài nội và ngoại, nhưng thực tế thì từ trước đến nay, trọng tài Việt Nam không được đào tạo bài bản, mỗi năm chỉ kiểm tra tập huấn vài ngày trước khi làm nhiệm vụ, không thể tự nhiên mà trình độ cầm còi nâng cao được. Có mời thêm trọng tài ngoại sang thì cũng khó tốt hơn.
Không thể ngày một, ngày hai là có thể thay đổi được chất lượng của bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, sau 14 năm phát triển bóng đá chuyên nghiệp, đến nay vẫn chưa có gì thay đổi rõ nét thì thật khó hy vọng bóng đá Việt Nam sẽ có những chuyển biến trong tương lai gần. Bóng đá Việt Nam đang ở tình trạng 3 không: Không có doanh thu, không có khán giả và không có định hướng. Việc cầu thị, chịu hợp tác với chuyên gia ngoại là điều kiện cần, nhưng chính những người làm bóng đá tự thay đổi chất lượng công việc của mình mới là điều kiện đủ để vươn lên.
Thực tế hiện nay: VFF thì hô hào, mong muốn các CLB nỗ lực thay đổi từ gốc rễ, nhưng chính các CLB lại đợi VFF định hướng con đường phát triển chuyên nghiệp thực thụ mới có cơ sở thực hiện. Những nguồn lực xã hội vì thế có muốn đầu tư cho bóng đá cũng đành phải đợi, chưa biết đến bao giờ...
VIỆT QUANG