Tuy nhiên mới đây, việc ghi nhận chùm lây nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện (BV) Việt Đức ở Hà Nội, khiến không ít người lo lắng về nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại từ ngay trong các cơ sở y tế ra cộng đồng.
Theo nhiều chuyên gia y tế, dù tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 đang tăng mạnh tại nhiều địa phương như TPHCM, Hà Nội, nhưng nguy cơ dịch Covid-19 vẫn còn rất cao, nhất là những nơi rất “nhạy cảm” như BV khi thường xuyên tiếp nhận lượng lớn người bệnh.
Mặc dù Bộ Y tế đã hướng dẫn kỹ về cách phân luồng, phòng chống nhiễm khuẩn, nhưng thời gian qua, vẫn có nhiều BV trở thành “ổ dịch”. Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, việc ngăn chặn F0 vào BV là khó, bởi thực tế, bệnh nhân đi khám, điều trị đều có người nhà đi kèm để chăm sóc. Lượng người ra vào BV lớn nên việc tầm soát khó khăn hơn. Chưa kể, có các dịch vụ bên ngoài đưa vào viện như: người đưa cơm, người nhà ra ngoài mua cơm, nước uống... Do đó, khi có ca mắc Covid-19 trong BV, việc lây nhiễm thường rất nhanh và lan rộng.
BV là “thành lũy” cuối cùng trong cuộc chiến với dịch Covid-19, nếu hệ thống điều trị suy yếu sẽ ảnh hưởng rất lớn tới không chỉ bệnh nhân mắc Covid-19 mà còn rất nhiều bệnh nhân khác. Để bảo vệ an toàn cho BV nói chung và đội ngũ y bác sĩ và bệnh nhân nói riêng, đòi hỏi các BV phải nâng mức cảnh giác lên cao hơn nữa.
Thực hiện nghiêm khâu sàng lọc, phân luồng, cách ly và cho xét nghiệm toàn bộ các trường hợp nghi ngờ. Tuyệt đối không để lọt những người nguy cơ xâm nhập vào BV. Tiếp tục giám sát chặt chẽ đối tượng có nguy cơ cao, nhất là các BV tuyến cuối; xét nghiệm định kỳ nhân viên y tế, những người làm trong BV. Kiểm soát chặt người vào - ra, không để hoặc hạn chế tối đa việc người nhà đến chăm sóc bệnh nhân…