
Tôi có nuôi 3 con vật trong nhà. Con cá dạy tôi sự im lặng. Con chó dạy tôi sự trung thành. Và con chim dạy tôi sự năng động”.
Đó là những câu nói không hiểu sao cứ còn đọng lại trong trí nhớ của tôi dù 4 năm đã trôi qua kể từ cuộc phỏng vấn người anh hùng tình báo Phạm Xuân Ẩn.
Đến nhà ông, một ngôi nhà liền kề với Hãng phim Giải Phóng trên đường Lý Chính Thắng, thành phố Hồ Chí Minh, bạn sẽ vào một khoảng sân rợp bóng cây, một con chim cảnh nhảy tưng tưng trong lồng. Bạn chờ một lúc mới được gặp người chủ nhà.
Ông cao và gầy. Ngay lập tức bạn sẽ bị thu hút bởi đôi mắt của ông, một không gian ấm áp được tỏa ra từ đôi mắt. Nhìn vào đôi mắt ấy, bạn bỗng tò mò và phấn khích, vui vẻ và cảm mến, không, đúng hơn là bạn như ngây ngất vì khâm phục, vì kính yêu. Một người Việt Nam hiếm có, sức mạnh tinh thần, đạo đức và trí tuệ của ông toát ra ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Ký ức của 30 năm lịch sử kháng chiến chống Mỹ như hiện về ngay lập tức, và những đợt sóng của những câu hỏi cũng xuất hiện trong đầu bạn ngay lập tức, trong căn phòng khách cũ kỹ giản dị và thoáng mát .

Phạm Xuân Ẩn thời trẻ.
Tôi vừa kể lại những cảm giác khi lần đầu tiên gặp Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn. Các cán bộ của Tổng cục 2 dẫn chúng tôi đến gặp ông cũng vào dịp cuối tháng 9 như thế này. Đó là năm 2002, ông vẫn còn khỏe và còn bị chúng tôi hành hạ, bắt đi ra cafe Givral ở đường Đồng Khởi, đi ra địa chỉ cũ của tòa soạn báo Time ở số 7 Hàn Thuyên, đi ra Dinh Thống Nhất... Không ngờ lại có lúc chúng tôi xem lại những cảnh quay ấy, trong một tâm trạng khác, khi người dân Việt Nam ngậm ngùi tiếc thương người anh hùng vừa ra đi.
Chưa bao giờ mà tôi lại cười nhiều đến như vậy trong cuộc phỏng vấn Người đương thời. Đến cả khi phát sóng rồi vẫn không nhịn được cười. Một ông già “quậy”. Mỗi câu nói của ông vừa dứt là cả hội trường lại cười và vỗ tay nghiêng ngả.
Ông đích thực là một trong những nhà báo tài năng, ông rất biết cách nói chuyện với công chúng.
Với tôi, cuộc nói chuyện với ông thật là dịp quý hiếm để hỏi thật nhiều về nghề báo qua cái nhìn từ phương Tây. Người Mỹ đã dạy ông làm báo như thế nào? Và thế là cuộc phỏng vấn biến thành cuộc trò chuyện về hai thứ nghề: nghề làm báo và nghề tình báo. “Làm báo và làm tình báo như nhau cả, đều là lấy tin, chỉ có điều người này lấy rồi viết, còn người kia lấy rồi cất”.
“Làm nghề báo, phải đưa tin nhanh, chính xác. Làm nghề tình báo, phải tránh 3 chữ T: tình, tiền, tù”.
“Muốn thành công thì phải có 3 chữ S: sociable, serve, sincere: phải hòa đồng, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người và chân thành”.
Ông có vẻ như rất tự hào về một điều mà tôi cứ thấy lạ, đó là: “Mình tự hào vì tụi Mỹ bạn mình sau này nó vẫn chơi với mình, tụi nó biết rằng mình chưa bao giờ nói láo với tụi nó”. Ông khoe với chúng tôi những cuốn sách của các nhà báo Mỹ đã từng ở Việt Nam, trong đó có nhắc đến tên ông Ẩn.
Ông đã làm thế nào để có thể sống hai cuộc đời, trung thực với cả hai phía?
Trong câu chuyện của chương trình Người đương thời ông đã bộc lộ con người cách mạng của mình khi kể về những buổi đêm khi ông ngồi sao chụp tài liệu mật, những lúc đi gặp bà Ba giao liên để gửi tin tức, những thói quen “nghề nghiệp” như cứ đi ra khỏi cửa là ngoái lại quan sát xung quanh. Sống trong trung tâm của hoạt động chính trị và quân sự ở Sài Gòn thời chiến, quanh ông biết bao cạm bẫy. Sống chung với căng thẳng, riết rồi quen, ông lại phải tự cảnh giác với chính mình, vì “quen là mất cảnh giác”.
Và điều khó cảnh giác với chính mình hơn cả, là không cho phép mình ngủ quên trong xa hoa nhung lụa, khi ông đang là một nhà báo nổi tiếng ở Sài Gòn, giao du với những quan chức cao cấp, ra vào những nơi sang trọng nhất.
Thương chị giao liên lặn lội qua bao nguy hiểm từ căn cứ lên gặp ông nên phải cố gắng hơn để gửi được tài liệu giá trị vào trong cứ. Đã bao năm rồi mà ông xót xa khi nhắc đến số tiền làm đám cưới của mình rất lớn do cách mạng cung cấp.
Một con người đóng góp cho đất nước như vậy, luôn cận kề với nguy hiểm như vậy mà không đòi hỏi gì, không tiền lương, không công xá. Làm sao có thể tính công cho ông, và tính bao nhiêu công cho những đêm không ngủ trong nguy hiểm rình rập, những chuyến đi trên ranh giới mong manh giữa sống và chết, cho những phân tích mang tầm chiến lược góp phần vào chiến thắng 30-4, cho sự chia ly với gia đình đúng ngày đất nước đoàn tụ?
Cả một thế hệ cùng thời với ông Ẩn đã sống và cống hiến, hy sinh cho cách mạng, cho dân tộc như thế. Ngày hôm nay mấy ai trong số chúng ta sẵn sàng hy sinh cái riêng cho cái chung như thế?
Sau năm 1975, ông trở thành một người bình thường trong thành phố sau giải phóng. Ông cũng đi làm với những cặp lồng và những bữa ăn đạm bạc. Hàng xóm người quen vẫn không biết thực ra ông là ai. Câu chuyện trở lại đời thường này cũng chứa đầy những kịch tính không bao giờ được kể.
“Tôi chỉ là một cái chấm thôi, còn chiến công chính là của mạng lưới, của nhân dân”- ông nói.
Tôi viết những dòng này vào buổi sáng thứ bảy đẹp trời. Rặng bạch đàn bên ngoài cửa sổ có những chú chim chích chòe nhảy tưng tưng hót ríu ran. Mạng Internet tràn ngập những bài báo trong và ngoài nước ca ngợi cuộc đời kỳ lạ của ông. Những người trẻ tuổi “háo hức đi tìm bí ẩn về ông” (báo Tuổi trẻ) khi ông đã ra đi.
Thật kỳ lạ, tôi nghĩ, đến khi chết rồi ông vẫn còn có ích cho đời. Cái chết của ông một lần nữa lại làm cho chúng ta nhận ra, cuộc sống tươi đẹp này đã có được bởi những cuộc chiến đấu kiên trì và thầm lặng, sự hy sinh cả một thời tuổi trẻ của bao người Việt Nam yêu nước.
Tôi tin rằng ông đã ra đi thanh thản lắm.
TẠ BÍCH LOAN