Đã làm rõ vụ nữ sinh bị đánh “hội đồng”

Sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hà Nội đề nghị Công an thành phố vào cuộc điều tra vụ clip nữ sinh bị đánh “hội đồng”, cơ quan Công an TP Hà Nội đã có kết quả điều tra về nội dung video clip có cảnh một nữ sinh bị một nhóm học sinh đánh hội đồng, được phát tán 

(SGGPO).- Sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hà Nội đề nghị Công an thành phố vào cuộc điều tra vụ clip nữ sinh bị đánh “hội đồng”, cơ quan Công an TP Hà Nội đã có kết quả điều tra về nội dung video clip có cảnh một nữ sinh bị một nhóm học sinh đánh hội đồng, được phát tán lên Internet, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Với các tài liệu, chứng cứ thu thập được đã làm rõ được diễn biến vụ việc, xác định được 10 đối tượng có liên quan và đối tượng đã phát tán video clip lên Internet.

Nguyễn Quỳnh Anh và Vũ Ngọc Diệp cùng là học sinh lớp 10A13 trường THPT Trần nhân Tông. Trong giờ giải lao buổi học chiều 2-3-2010, trong lúc vui chơi, Quỳnh Anh dẫm vào chân Diệp, dẫn đến hai bên cãi, chửi nhau. Sau khi cả hai bên gọi nhiều “chiến hữu” đến nhưng vẫn không giải quyết được mâu thuẫn, cả nhóm kéo nhau ra vườn hoa Pasteur “giải quyết”.

Khi đến vườn hoa Pasteur, Vi túm tóc đấm, đá vào mặt, giật áo lót của Quỳnh Anh. Diệp xông vào, dùng chân đạp vào đầu Quỳnh Anh. Có mặt xem đánh nhau lúc đó có Tú, Hùng, Linh ngồi ở ghế đá, Ôn Minh Huyền, Trung và Đức đứng cạnh xe máy của mình, còn Chu Minh Huyền cầm điện thoại Sony Ericsson W595 quay lại toàn cảnh đánh nhau. Do Đức và mấy người bán nước cạnh đó vào can và dọa báo công an, nên Vi sợ không dám đánh Quỳnh Anh nữa. 

Sau khi được Chu Minh Huyền gửi cho video clip này, Linh về nhà kết nối điện thoại với máy tính để dùng phần mềm 123 player xem. Khoảng 19 giờ cùng ngày, sau khi xem xong, Linh chat với Vi, Vi bảo Linh post lên trang web Flickr, Linh đã dùng nick của mình là Lihknhymsm để post lên trang web Flickr. Sau khi video clip được post lên trang web Flickr, có khoảng 5000 lượt người truy cập vào xem và bình luận.

Do có nhiều người tỏ thái độ phản đối hành vi đánh nhau của các đối tượng, nên khoảng 21 giờ, Linh đã gỡ đoạn video clip này xuống. Nhưng từ 19 giờ đến 21 giờ, video clip này đã được nhiều người tải về trước đó và post lên nhiều trang web khác nhau. 

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng đã  khai nhận hành vi vi phạm của mình và nhận thức rõ tác hại của việc đánh nhau và việc quay video phát tán lên Internet gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, đặc biệt là ảnh hưởng xấu đến tầng lớp thanh thiếu niên. 

Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội khẩn trương củng cố tài liệu, xác định rõ hành vi vi phạm của từng đối tượng và phối hợp chặt chẽ với Sở GD-ĐT TP Hà Nội, với Ban Giám hiệu các trường có học sinh vi phạm để thống nhất biện pháp xử lý đúng theo quy định của pháp luật.

10 đối tượng trong video clip

1- Nguyễn Quỳnh Anh, sinh năm 1994, trú tại Quỳnh Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội, học sinh lớp 10-A13 trường THPT Trần Nhân Tông, người bị đánh trong video clip.

2- Vũ Ngọc Diệp, sinh năm 1994, trú tại phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, học sinh lớp 10-A13, trường THPT Trần Nhân Tông, người có mâu thuẫn với Nguyễn Quỳnh Anh, dẫn đến đánh nhau.

3- Phạm Tường Vi, sinh năm 1993, ở phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội, học sinh trường Tô Hoàng (đã bỏ học năm 2008), là đối tượng đánh Nguyễn Quỳnh Anh trong video clip.

4- Chu Minh Huyền, sinh năm 1994, ở phường Trương Định, Hà Nội, học sinh lớp 10-A14, Trường THPT Trần Nhân Tông, là đối tượng dùng điện thoại di động quay lại cảnh đánh nhau.

5- Mai Thùy Linh, sinh năm 1994, trú tại phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội, học sinh lớp 10-A10, trường THPT Đoàn Kết, là người có mặt trong video clip và post video clip lên trang web Flickr đầu tiên.

6- Trịnh Minh Tú, sinh năm 1994, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, học sinh lớp 10-A5 trường THPT Trần Nhân Tông, là người có mặt trong video clip.

7- Ngô Mạnh Hùng, sinh năm 1994, trú tại Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, học sinh lớp 10-A5 trường THPT Trần Nhân Tông, là người có mặt trong video clip.

8- Nguyễn Mạnh Đức, sinh năm 1993, ở Trung Phụng, quận Đống Đa, Hà Nội, học sinh lớp 9A, trường THCS Tây Sơn (đã bỏ học năm 2009), là người có mặt trong video clip.

9- Nguyễn Mạnh Trung, sinh năm 1992 (anh trai Đức, đã bỏ học năm 2008), là người có mặt trong video clip.

10- Ôn Minh Huyền, sinh năm 1994, trú tại Vân Đồn, Bạch Đằng, Hà Nội, học sinh lớp 10-A13, trường THPT Trần Nhân Tông, người có mặt trong video clip.

ANH MINH

> Ngăn chặn tình trạng bạo lực trong học sinh

Tin cùng chuyên mục