Áp dụng mạnh mẽ chuyển đổi số vào cuộc sống

TPHCM chọn chủ đề năm 2024 là “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội” cho thấy thành phố rất quyết liệt trong thực hiện chuyển đổi số. Thực hiện chủ đề năm của TPHCM, nhiều địa phương, đơn vị đã tập trung thực hiện chuyển đổi số trên các lĩnh vực, đưa chuyển đổi số đến những vùng xa xôi của thành phố.

Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lâm Đình Thắng và lãnh đạo TP Thủ Đức tham quan Trung tâm Giám sát hình ảnh camera TP Thủ Đức
Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lâm Đình Thắng và lãnh đạo TP Thủ Đức tham quan Trung tâm Giám sát hình ảnh camera TP Thủ Đức

Hỗ trợ giải quyết nhanh các vấn đề dân sinh

Khoảng 6 giờ một ngày đầu tháng 2, Công an phường An Phú (TP Thủ Đức, TPHCM) nhận tin báo của người dân về việc mất trộm xe gắn máy. Lập tức, trực ban Công an phường An Phú báo cáo trực ban Công an TP Thủ Đức. Công an TP Thủ Đức khẩn trương chỉ đạo các đơn vị ngoài đường hỗ trợ tuần tra để kịp thời phát hiện, bắt giữ đối tượng và tang vật. Một nhiệm vụ khác được tập trung thực hiện là theo dõi, truy vết xe bị mất trộm trên hệ thống camera thông minh. Qua camera, lực lượng chức năng nhanh chóng truy xét, phát hiện tuyến đường tẩu thoát của nghi phạm và tổ chức chặn bắt 2 nghi phạm gây án.

Đây là một trong những kết quả cụ thể từ hoạt động của Trung tâm Giám sát hình ảnh camera TP Thủ Đức. Hiện trung tâm đang hoạt động thử nghiệm hơn 100 camera thông minh (camera AI) với chức năng nhận diện BKS và truy vết phương tiện trên bản đồ số, đưa ra những cảnh báo sớm cho lực lượng chức năng khi có phương tiện tình nghi đi vào vùng hoạt động của hệ thống camera thông minh. Dự kiến năm 2024, trung tâm sẽ tiếp tục chuyển đổi các camera tại 34 phường, tập trung ở các cửa ngõ TP Thủ Đức, các tuyến đường huyết mạch, tạo nên một hệ thống camera thông minh có độ bao phủ toàn diện trên địa bàn thành phố.

Camera thông minh cũng đã phát huy hiệu quả khi nhiều phường tại quận 7 chủ động ứng dụng vào hoạt động quản lý ở địa phương. Như mới đây, trong lúc UBND phường Tân Thuận Đông đang tổ chức cuộc họp thì qua màn hình được trang bị trong phòng họp, các đại biểu phát hiện có khói. Ngay lập tức hệ thống xác định vị trí của đám khói bốc lên từ một con hẻm ở phường nên lãnh đạo phường gửi hình ảnh, chỉ đạo lực lượng đến hiện trường xử lý. Chỉ trong 7 phút, lực lượng của phường đã có mặt tại vị trí xuất hiện đám khói. Dù chỉ là khói do người dân đốt rác, nhưng qua đó đã cho thấy phản ứng của địa phương rất nhanh chóng.

Theo lãnh đạo UBND phường Tân Thuận Đông, nhờ hệ thống camera trong đó có camera thông minh 360 độ, quan sát 90% địa bàn phường từ trên cao, độ zoom khoảng 1km, giúp địa phương phát hiện từ sớm các vụ cháy, không để phát sinh cháy lớn hoặc xử lý dứt điểm tình trạng đổ rác trộm, xóa sổ nhiều điểm đen về rác trên địa bàn cũng như hỗ trợ rất nhiều trong việc xử lý nhanh các vấn đề kẹt xe, tai nạn giao thông…

Đặc biệt, những ngày gần đây, câu chuyện Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng livestream bán hàng trên kênh chợ Thủ Đức trực tuyến khiến người dân thích thú.

Xem livestream, chị Nguyễn Phan Hồng Mai (ngụ TP Thủ Đức) không do dự khi đặt mua một số sản phẩm trang trí tết. Là người thường xuyên mua hàng trên mạng, chị Mai lựa chọn rất kỹ kênh bán hàng, để tránh gặp hàng kém chất lượng hoặc có thể mua không đúng với giá trị thực. Vì vậy, khi kênh bán hàng trực tuyến có sự tham gia của chính quyền địa phương như một sự bảo chứng cho uy tín và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nên chị yên tâm mua sắm. Chỉ trong 3 ngày hoạt động, chợ Thủ Đức trực tuyến đã thu hút 50 nhà bán lẻ tham gia. Chỉ tính riêng trên nền tảng TikTok, với 20 phiên livestream, đã có hơn 17.000 đơn hàng được bán ra.

Trước khi TP Thủ Đức tổ chức chợ trực tuyến, Sở TT-TT TPHCM, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cùng UBND quận 1 phối hợp tổ chức “Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến TPHCM 2023 - Khám phá, trải nghiệm và mua sắm tại chợ di sản Bến Thành”, livestream bán hàng tại chợ Bến Thành.

Chỉ trong 5 ngày với 77 phiên livestream tại chợ Bến Thành đã có hơn 18.200 đơn hàng được bán, mang về doanh thu 4,2 tỷ đồng. Kết quả trên cho thấy, khi chính cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc, uy tín của các đơn vị kinh doanh tham gia chương trình tăng mạnh, tạo được niềm tin trong nhân dân.

Áp dụng vào lĩnh vực khó

Công tác Đảng được xác định là khó trong thực hiện chuyển đổi số, song quận 7 đã và đang thí điểm rất thuận lợi ứng dụng Sổ tay Đảng viên điện tử. Đây là ứng dụng được xây dựng nhằm quản lý hoạt động các chi bộ, đảng viên trong chi bộ. Phần mềm giúp cho việc tổ chức các nội dung cuộc họp như lịch họp, thành viên, tài liệu, nhiệm vụ đảng viên, điểm danh, bầu cử, biểu quyết… được cụ thể, rõ ràng, theo đúng quy trình (trừ tài liệu mật).

Ứng dụng cũng là nơi để đảng viên có thể tra cứu, lưu trữ các tài liệu liên quan đến quá trình hoạt động của mình hoặc ghi chú trong các cuộc họp. Qua đó, mỗi đảng viên có thể nhắn tin, liên lạc để thực hiện việc giao nhiệm vụ đảng viên và trao đổi tài liệu liên quan. Ứng dụng còn cho phép cấp ủy cấp trên xem hoạt động của từng chi bộ, tình hình xử lý các góp ý, triển khai các nhiệm vụ; giúp cộng đồng gửi góp ý và xem tin tức thông qua ứng dụng. Hiện đã có khoảng 6.100 đảng viên cài đặt ứng dụng này (tỷ lệ 75% đảng viên toàn quận).

screenshot-2024-02-17-095953-4785.png

Ở nhiều lĩnh vực quan trọng khác và các địa bàn xa xôi của TPHCM, công tác chuyển đổi số cũng đã tiếp cận một cách rất thiết thực. Chẳng hạn, mô hình lớp học số mới đây được Sở GD-ĐT TPHCM triển khai ở Trường Tiểu học Thạnh An (thuộc xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ) là một điển hình. Học sinh không chỉ được nghe giảng với giáo viên từ xa qua màn hình mà còn được tương tác trực tuyến với các học sinh trường khác với cùng một nội dung bài học.

Theo bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM), lớp học số vừa giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, vừa hỗ trợ các trường ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Ngoài ra, với những trường thiếu giáo viên còn tận dụng được giáo viên giỏi của thành phố để chia sẻ, giảng dạy cho học sinh thông qua lớp học số”.

Cũng tại xã đảo Thạnh An, y tế thông minh đã được Sở Y tế TPHCM đưa về tận trạm y tế xã, với hệ thống X-quang tích hợp phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI), giúp phát hiện 95 dấu hiệu bất thường trong vòng 10 giây, đồng thời được kết nối hệ thống lưu trữ, truyền hình ảnh. Theo Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng, đây là trạm y tế đầu tiên của cả nước triển khai thành công AI trong chẩn đoán hình ảnh X-quang phổi. Nhờ vậy, người bệnh được chẩn đoán nhanh chóng, chính xác, điều trị đúng phác đồ thay vì phải vào đất liền thăm khám như trước.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải đánh giá cao nỗ lực của ngành giáo dục thành phố, cùng với ngành y tế đã từng bước đưa giáo dục thông minh, y tế thông minh về với xã đảo xa xôi của thành phố. Đồng chí đánh giá đây là những nội dung rất thiết thực, gắn sát nhất với chủ đề năm 2024 của TPHCM, đồng thời mong mỏi với những hoạt động trên sẽ giúp khoảng cách điều kiện học tập và khám chữa bệnh của người dân xã đảo với các quận trung tâm của thành phố ngắn lại, những thiệt thòi của người dân nơi đây sẽ được bù đắp phần nào.

Tin cùng chuyên mục