Đại diện nhóm nghiên cứu kiến nghị, cách thức, dung lượng hỗ trợ doanh nghiệp lớn trong nước tùy thuộc vào mức độ sở hữu nhà nước; mức độ hoạt động công ích, mức độ khó khăn trong kinh doanh, tiềm lực và mức độ ảnh hưởng kinh tế, nhất là người lao động của từng doanh nghiệp.
Cũng theo nhóm nghiên cứu, các gói kích thích kinh tế không phải là “thuốc thần” và không thể cứu hết doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là khi nguồn ngân sách hạn chế trong khi tình hình bệnh dịch còn phức tạp.
Ghi nhận việc Chính phủ đã chủ động chuẩn bị sớm các gói kích thích kinh tế trước khi dịch lan truyền, tương đối bám sát thị trường. Song kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận vốn chưa được như mong muốn.
Các gói hỗ trợ có mức hiệu quả khác nhau trên nhiều phương diện, trong đó, gói tín dụng ưu đãi và giảm tiền điện đạt kết quả khả quan; các gói hỗ trợ khác được thực hiện tương đối chậm và còn vướng mắc.
Các ý kiến tại hội thảo cho rằng, các gói kích thích kinh tế chỉ nên tập trung ưu tiên vào giải cứu, hỗ trợ các doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng cao, tạo năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo cho nền kinh tế trong dài hạn. Mức độ, ngành hàng thuộc diện giải cứu được tính toán căn cứ vào mức độ hưởng lợi cũng như thiệt hại của ngành từ đại dịch.