Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận
Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận sinh ngày 18-4-1921. Ông tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1944, là hội viên ngành đồ họa Hội Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1957. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1944 trong phong trào sinh viên yêu nước. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông là họa sĩ Phòng Thông tin Hà Nội, cán bộ Trung ương Đoàn Thanh niên tại Việt Bắc. Những năm 1951 - 1954, ông công tác tại Ban Mỹ thuật và hoạt động địch hậu tại Thái Bình, tiếp quản thủ đô và hoạt động cải cách ruộng đất 1954 - 1957. Sau ngày thống nhất đất nước, ông lần lượt giữ các nhiệm vụ: Cục trưởng Cục Mỹ thuật Bộ Văn hóa - Thông tin (1977 - 1979); Phó tổng Thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa 1 (1957 - 1983); Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa 2 (1983 - 1989). Trong quá trình tham gia cách mạng và hoạt động mỹ thuật, ông đã được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương và nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001.
Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận là một bậc thầy trong nghệ thuật tranh sơn khắc. Tranh của ông gắn bó với đời sống của người dân với bố cục chặt chẽ, công phu, có giá trị nghệ thuật cao. Cùng với tranh sơn khắc, ông còn sáng tác nhiều tranh cổ động chất lượng tốt trong thời kỳ kháng chiến, góp phần vào thành tựu của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Năm 2001, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với loạt tác phẩm: Thôn Vĩnh Mốc (sáng tác năm 1958, sơn khắc), Làm sạch thóc nộp kho (1981, sơn khắc), Không lời (tranh cổ động, 1984), Định canh định cư (1990, sơn khắc); Ngày mùa ở Vĩnh Kim (1960 - 1997, sơn khắc), Vết xích xe tăng giặc (1998, sơn khắc). Nhiều tác phẩm của ông hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Lễ viếng họa sĩ Huỳnh Văn Thuận bắt đầu từ 8 giờ ngày 20-10-2017 tại Nhà tang lễ Thành phố, số 25 Lê Quý Đôn, quận 3, TPHCM. Lễ truy điệu lúc 5 giờ 30 ngày 22-10-2017. Sau đó đưa đi an táng tại Nghĩa trang chính sách thành phố (huyện Củ Chi).