"Ngày mai mồng 6 tháng giêng năm 1946. Ngày mai, là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ. Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình. Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”.
Có lẽ từ trước đến nay, chưa có lời hiệu triệu, chỉ thị, hô hào nào lay động lòng người một cách sâu sắc, mãnh liệt như lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu cho ngày tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử lập quốc của Bác.
Với một đất nước còn ngổn ngang những khó khăn và rối ren, quân đội Pháp tấn công các tỉnh phía Nam, quân đội Tưởng Giới Thạch kéo vào các tỉnh miền Bắc, bọn phản động trong nước bám vào quân đội Tưởng Giới Thạch hoạt động ráo riết và chiếm được một số địa phương. Giặc đói, giặc dốt hoành hành, Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đồng chí của mình vẫn cho tiến hành một giải pháp lý tưởng mà chỉ trong hòa bình mới thực hiện được.
Với một Quốc hội được thành lập qua tổng tuyển cử, một Nhà nước hợp pháp ra đời, tư cách của nó, vị trí của nó trên thế giới, trong nước hoạt động có danh nghĩa, có hiệu lực và hiệu quả hơn một Chính phủ lâm thời.
Khi biết Bác được đề cử ra ứng cử ở Thủ đô Hà Nội, nhân dân thủ đô cử đoàn đại biểu đến đề nghị Bác không làm ứng cử viên như các đại biểu khác bởi Bác là đại biểu Quốc hội đương nhiên của nhân dân thủ đô. Bác đã cảm ơn sự tín nhiệm của nhân dân nhưng khước từ những “đặc cách” ngoại lệ dành cho mình. Sự khiêm tốn đó càng thấy rõ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời các nhà báo: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh vác chức Chủ tịch nước là vì đồng bào ủy thác nên tôi phải gắng làm, cũng như một người lính vâng lệnh quốc dân ra trước mặt trận…”.
Trong các chính sách, chủ trương của Bác, Người luôn luôn đề cao dân chủ, tôn trọng quyền dân chủ của dân; đặc biệt là quyền dân chủ chính trị, thể hiện trong tổng tuyển cử bảo đảm một chế độ dân chủ, tự do thật sự với tinh thần đoàn kết rộng rãi toàn dân.
Để định hướng cho cử tri lựa chọn người nên bầu, trong lời phát biểu tại buổi ra mắt ứng viên, Bác nói: “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện cái quyền dân chủ ấy”.
Điều đáng ngạc nhiên đối với chúng ta là hôm nay, nhìn lại sự thành lập Quốc hội trên cơ sở tổng tuyển cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại ý tưởng về một Quốc hội của toàn thể dân tộc Việt Nam. Khi hô hào quốc dân đi bỏ phiếu, Bác nói: “Dù ở trong Quốc hội hay ngoài Quốc hội, ai cũng phải ra sức giúp nước. Lần này không được cử, ta cứ làm cho quốc dân nhận rõ tài đức của ta, lần sau quốc dân nhất định cử ta”.
Thấm thoát đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, giờ đây cả nước ta đang tiến hành bầu cử Quốc hội khóa XIII vào ngày 22-5-2011 đúng vào dịp kỷ niệm 121 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những ngày này, chúng ta cùng ôn lại tư tưởng Hồ Chí Minh về việc thành lập một Nhà nước của dân do dân vì dân, một Nhà nước hợp hiến, dân chủ, thượng tôn pháp quyền. Thấm nhuần bài học quý giá của tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta phải chọn cho được một Quốc hội đại diện cho khối đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, một Quốc hội trí tuệ để góp phần quyết định xây dựng đất nước vững mạnh
DIỆP VĂN SƠN