Chủ tịch Ủy ban Bầu cử TPHCM Phạm Phương Thảo: Cử tri sẽ giám sát lời hứa của đại biểu

Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 đang đến gần. Những ngày qua, đoàn công tác của Ủy ban Bầu cử TPHCM thực hiện nhiều đợt kiểm tra giám sát công tác chuẩn bị bầu cử tại các quận - huyện. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Ủy ban Bầu cử TPHCM Phạm Phương Thảo về những vấn đề dư luận quan tâm.

Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 đang đến gần. Những ngày qua, đoàn công tác của Ủy ban Bầu cử TPHCM thực hiện nhiều đợt kiểm tra giám sát công tác chuẩn bị bầu cử tại các quận - huyện. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Ủy ban Bầu cử TPHCM Phạm Phương Thảo về những vấn đề dư luận quan tâm.

* PV: Bà đánh giá thế nào về công tác chuẩn bị bầu cử tại TPHCM qua các đợt giám sát?

* Bà PHẠM PHƯƠNG THẢO: Nhìn chung, công tác bầu cử được quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy, ủy ban, ban bầu cử các quận - huyện nên đảm bảo tiến độ và có sự phối hợp đồng bộ. Các nơi cơ bản hoàn tất việc tổ chức cho các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân trình bày chương trình hành động của mình trước cử tri.

Phần lớn cử tri đã nhận thẻ cử tri. Các tổ dân phố tổ chức mạn đàm về tiểu sử ứng cử viên. Công tác tuyên truyền đã triển khai dưới nhiều hình thức cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Báo đài đã xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tiến tới bầu cử cũng như giới thiệu chương trình hành động của ứng cử viên, thông tin tiến độ bầu cử, tuyên truyền Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, các quy định về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các thể thức bầu cử, băng rôn, panô, cụm triển lãm đã triển khai. Đặc biệt, tiểu sử, chương trình hành động của ứng cử viên đã đưa đến tận hộ dân…

* Đợt bầu cử lần này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế lạm phát, vật giá leo thang và một bộ phận không nhỏ nhân dân đang tất bật với chuyện mưu sinh. Theo bà, tình hình này có ảnh hưởng đến mức độ quan tâm của người dân về công tác bầu cử?

* Công tác an sinh xã hội luôn được thành phố quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế nhiều khó khăn như hiện nay qua các chương trình bình ổn giá, vận động các hộ dân cho thuê phòng trọ không tăng giá và đã có 91% người cho thuê phòng trọ không tăng giá làm lợi cho hơn 1 triệu người lao động, hay chương trình “3 trợ giúp, 3 tiết kiệm” của Ủy ban MTTQ thực hiện… đã phần nào giảm gánh nặng cho người dân. Vì vậy, không phải vì lo toan cuộc sống mà người dân không quan tâm đến công tác bầu cử. Minh chứng là tại các hội nghị tiếp xúc với các ứng cử viên vừa qua, cử tri dự khá đông đủ, phát biểu nhiều ý kiến tâm huyết.

* Việc tiếp xúc cử tri của các ứng cử viên cơ bản đã hoàn tất. Bà nhận định như thế nào về chất lượng ứng cử viên?

* Chất lượng của ứng cử viên khá đồng đều. Phần trình bày chương trình hành động của họ nhìn chung khá hay. Bản thân của các ứng cử viên đã nỗ lực rất lớn, thể hiện sự tâm huyết và cũng… hy vọng!

* Nói phải đi đôi với làm là kỳ vọng lớn của cử tri đối với người đại biểu dân cử. Và như nhận định, ứng cử viên cũng đã hứa rất nhiều, rất hay, nhưng cách nào để kiểm tra lời hứa của họ sau khi trúng cử, thưa bà?

* Người dân có quyền giám sát việc thực hiện lời hứa của người đại biểu. Và theo quy định, mỗi năm đại biểu sẽ báo cáo kiểm điểm công việc của mình đã thực hiện với cử tri nơi ứng cử.

* TPHCM có lượng dân nhập cư lớn, chưa kể tại một số quận đang thực hiện nhiều dự án, người dân đã di chuyển chỗ ở nơi khác nhưng vẫn còn hộ khẩu nơi cũ… sẽ gây biến động lớn về lượng cử tri. TPHCM giải bài toán này như thế nào?

* Đây là một thực tế đặt ra đối với TPHCM - một đô thị có lượng cử tri đông nhất nước, hơn 4,8 triệu người với 2.673 khu vực bỏ phiếu. Một số quận - huyện - nhất là vùng ven người dân nhập cư, người di dời nơi ở nhưng chưa cắt hộ khẩu đến hàng chục ngàn người. Tuy nhiên, TP sẽ tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Mong bà con liên hệ chính quyền địa phương nơi ở mới để cấp thẻ cử tri hoặc quay về nơi ở cũ để thực hiện quyền bầu cử. Các phường, xã - thị trấn đều có điểm phục vụ người vãng lai bầu cử đại biểu Quốc hội.

* Tỷ lệ đại biểu nữ thường không đảm bảo đủ theo hướng dẫn. Vấn đề này nằm ở chỗ nào thưa bà? Làm sao để nâng được tỷ lệ này lên?

* Nhiệm kỳ rồi tỷ lệ đại biểu nữ tại Quốc hội đạt 25,76%. Nhiệm kỳ mới này cố gắng nâng tỷ lệ này từ 30% trở lên. Chúng ta đã có Luật bình đẳng giới và nhận thức của xã hội cũng được nâng lên. Quan trọng là việc giới thiệu người ra ứng cử đảm bảo tiêu chuẩn. Chính cử tri sẽ sáng suốt chọn mặt gửi vàng.

* Xin cảm ơn bà! 

VÂN ANH thực hiện

Tin cùng chuyên mục