Xóa bỏ định kiến với phái nữ

Chỉ còn mấy ngày nữa đến ngày bầu cử Quốc hội (QH) khóa XIII và HĐND các cấp. Trong thời gian này, các ứng cử viên (ƯCV) nữ không khỏi hồi hộp: liệu cử tri có dành lá phiếu bầu chọn cho mình? Cử tri có nghiên cứu, đánh giá kỹ về từng nữ ƯCV hay thấy phụ nữ là… gạch tên?

Cho đến nay, định kiến của xã hội về phụ nữ vẫn là thách thức lớn đối với các ƯCV nữ. Đây là rào cản khó khăn mà không phải phụ nữ nào cũng vượt qua. Ngoài ra, một số quy định khác biệt giữa nam và nữ như tuổi nghỉ hưu, tuổi đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch… đã hạn chế sự tham gia của giới nữ vào nghị trường nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung.

Chính vì định kiến, đã có nhiều ƯCV nữ từng ra ứng cử các nhiệm kỳ trước phải ra về… tay không! Trước tình hình này, mới đây, Trung ương Hội LHPN VN và Bộ LĐTB-XH đã tổ chức tọa đàm về Tuyên truyền nâng cao tỷ lệ nữ ĐBQH khóa XIII và ĐBHĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 nhằm tuyên truyền vận động cử tri xóa bỏ mọi định kiến, thực hiện bình đẳng giới, tích cực ủng hộ ƯCV nữ tham gia nghị trường. Mục tiêu của Đảng, Nhà nước đề ra là cố gắng đảm bảo đạt tỷ lệ 35% nữ trúng cử vào ĐBQH và HĐND các cấp.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công văn chỉ đạo thực hiện công tác cán bộ nữ, điều đó chứng tỏ Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm nâng cao vị thế người phụ nữ trong xã hội. Tuy nhiên, qua các nhiệm kỳ QH trước cho thấy, tỷ lệ nữ ƯCV trúng cử đạt cao nhất cũng chỉ 27%. Tỷ lệ nữ là chủ tịch HĐND cấp tỉnh chỉ đạt gần 5%, chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạt gần 2%. Hiện cả nước chỉ có 1 bộ trưởng và 10 thứ trưởng thuộc phái nữ.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Việt Nam, mặc dù tỷ lệ phụ nữ tham gia chính trị đã tăng lên so với trước nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của phụ nữ...

Theo dõi nhiều kỳ họp QH và HĐND các cấp thời gian qua, cử tri rất tâm đắc với vai trò của những người phụ nữ như: Tôn Nữ Thị Ninh, Phạm Thị Loan (Hà Nội), Ngô Minh Hồng, Phạm Phương Thảo (TPHCM)… Các đại biểu này đã có những tiếng nói tích cực trên diễn đàn QH, HĐND và tích cực tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân, tham gia xây dựng các bộ luật, có tiếng nói và hành động hữu hiệu để bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ nói riêng và người dân trong xã hội nói chung… Có thể nói, tiếng nói của đại biểu nữ tại diễn đàn QH, HĐND các cấp có sức thuyết phục cao, là “lạt mềm buộc chặt” như cha ông ta ví von.

Để giới nữ có thể phát huy trí tuệ, đóng góp công sức cho đất nước, hơn lúc nào hết, bên cạnh việc các ƯCV nữ cần phải “vượt lên chính mình”, bước qua rào cản định kiến xã hội, cũng cần lắm sự ủng hộ của từng cử tri trong lá phiếu bầu sắp tới. Điều đó giúp cơ quan quyền lực của Nhà nước và địa phương có thêm sự đóng góp tích cực của những nữ đại biểu ưu tú, tận tâm.

Minh Ngọc

Tin cùng chuyên mục