- Cử tri đã có thẻ
Những ngày này, khắp các tuyến đường tại TPHCM đều rực rỡ cờ hoa, pa nô, áp phích tuyên truyền về bầu cử. Sức nóng của ngày hội lớn đã đến gần…
Hơn tuần qua, cứ đều đặn vào 8 giờ sáng và 15 giờ chiều mỗi ngày, những chiếc áo xanh (đoàn viên thuộc Quận đoàn 4) cùng những chiếc xe máy đặc biệt được trang bị loa phát thanh, cờ, phướn và danh sách các ứng cử viên trên địa bàn… tỏa đi khắp các hang cùng ngõ hẻm tuyên truyền bầu cử. Không tốn kém quá nhiều về kinh phí, cách truyền thông đơn giản này bước đầu giúp nhiều người dân hiểu thêm về luật bầu cử, nơi niêm yết danh sách cử tri cũng như biết được cách thức bỏ phiếu…
Tại quận Tân Phú, các đoàn viên thanh niên cũng hưởng ứng rất sôi nổi với 35 xe hoa cổ động tuyên truyền có lồng ghép hệ thống âm thanh lưu động, 60 xe gắn máy với nhiều cờ phướn, cờ nước, cờ Đoàn, cờ Hội và hơn 200 bạn trẻ diễu hành tuyên truyền với băng rôn cổ động: “Ngày 22-5-2011 – Ngày hội non sông”.
Đến thăm khu dân cư tập trung đông người Khmer ở phường 10, quận Tân Bình, bà Điền Thị Cải (ngụ tại 21/10 đường Bùi Thế Mỹ) vui vẻ cho biết: “Gia đình tôi có 6 người được tham gia bầu cử đợt này. Chúng tôi đang xem xét kỹ chương trình hành động của các ứng cử viên để có sự lựa chọn phù hợp”. Đến xóm người Hoa ở phường 10, quận Tân Bình, nơi có hơn 400 hộ người Hoa sinh sống, ông Mạc Văn Hùng, Trưởng ban Mặt trận khu phố, cho biết: “Bà con người Hoa ở đây đã nhận xong thẻ cử tri và đã chuẩn bị sẵn sàng cho ngày hội lớn”.
Chiều 20-5, các trục đường trước KCN Tân Tạo đã rực rỡ cờ hoa, pa nô, áp phích tuyên truyền cho ngày bầu cử. Ghé xóm trọ trên đường Trần Thanh Mại, một nhóm công nhân đang thảo luận về tiểu sử các ứng cử viên. Trong đó rất nhiều người lần đầu tiên thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân thông qua lá phiếu cử tri”.
Ông Phạm Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết: “Công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử đã cơ bản hoàn thành. Do đặc thù địa bàn có nhiều công nhân nhập cư nên chúng tôi đã phối hợp với các doanh nghiệp, chủ nhà trọ tuyên truyền đến từng hộ, từng phòng trọ; tổ chức mạn đàm tiểu sử các ứng cử viên cũng như hướng dẫn cho cử tri biết quy trình bầu cử. Tất cả đã sẵn sàng!”.
Đến ngày 20-5, các địa phương trong cả nước đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016. Công tác chuẩn bị bầu cử được các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương phối hợp đồng bộ, tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, đảm bảo đúng tiến độ quy định của pháp luật, tạo không khí phấn khởi, dân chủ.
Hội đồng bầu cử đã ban hành 14 nghị quyết cho phép bầu cử sớm một số khu vực bỏ phiếu của 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cho phép xã Pha Mu, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu tổ chức bầu cử đại biểu HĐND cấp xã lùi 6 tháng.
- Tiếp tục bầu cử sớm ở một số địa phương
|
Ngày 20-5, gần 800 cử tri xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình cũng đã đi bầu cử trong ngày 20-5, sớm hơn 2 ngày so với thời điểm bầu cử ĐBQH khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 trên toàn quốc. Đây là xã thứ 7 ở tỉnh Quảng Bình tổ chức bầu cử sớm. Trường Sơn là xã có đông đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều mang họ Bác Hồ.
Sáng sớm 20-5, đông đảo cử tri xã đảo Thổ Châu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang (cách đất liền hơn 220km) đã có mặt đông đủ tại các điểm bầu cử, chờ giờ khai mạc. Đây cũng là địa phương duy nhất của tỉnh Kiên Giang và ĐBSCL được bầu cử sớm 2 ngày. Đúng 7 giờ 15 phút, đồng loạt 5 điểm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011–2016 được khai mạc, trong đó một điểm bỏ phiếu dành riêng cho quân đội thuộc đơn vị Hải quân vùng 5.
Ông Trần Hoàng Nghiệm, Chủ tịch UBND xã Thổ Châu, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử xã, phấn khởi cho biết: Cuộc bầu cử tại xã đảo Thổ Châu đã diễn ra an toàn, tốt đẹp. Toàn xã đảo có 1.104 cử tri, được sắp xếp bỏ phiếu tại 5 khu vực. Đến 13 giờ cùng ngày, 100% số cử tri trên đảo Thổ Châu đã bầu cử xong, sớm hơn 6 giờ so với dự kiến ban đầu.
Tính đến 18 giờ ngày 20-5 có 100% cử tri thuộc 219 tổ bầu cử gồm 49.203 người, trong đó có 24.570 nam, 24.633 nữ của 31 xã vùng cao biên giới trên địa bàn các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong tỉnh Nghệ An đã hoàn thành công tác bỏ phiếu bầu cử ĐBQH khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016. Trong đó 18 tổ bầu cử sớm của huyện Con Cuông hoàn thành công tác bỏ phiếu sớm nhất vào lúc 16 giờ chiều.
Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất và nhân lực phục vụ cho công tác bầu cử nên tại các tổ bầu cử sớm của 31 xã đều đảm bảo các điều kiện phục vụ cho ngày bầu cử. Tình hình an ninh, trật tự an toàn tại 219 điểm bầu cử đều được đảm bảo. Dư luận nhân dân đồng tình cao về cuộc bầu cử và các ứng cử viên.
Ngoài chuẩn bị về cơ sở vật chất, kết quả trên có được là nhân dân đồng bào vùng cao đã rất đồng tình ủng hộ, vượt mọi khó khăn hoàn thành tốt quyền lợi và trách nhiệm của công dân. Thể hiện rõ ở chỗ, trên địa bàn một số xã đêm trước có mưa to như Keng Đu, Đoọc Mạy, Na Loi huyện Kỳ Sơn; các xã Tam Hợp, Nhôn Mai, Mai Sơn huyện Tương Dương, giao thông đi lại khó khăn nhưng không ảnh hưởng đến công tác bầu cử. Tại huyện Quế Phong cho đến chiều qua trời vẫn còn mưa to. Tại các điểm được bầu cử sớm trên, số đại biểu HĐND huyện ứng cử là 104, được bầu 64 người; số đại biểu HĐND xã ứng cử là 924, được bầu 563 người.
Do khu vực Tây Nguyên có nhiều vùng sâu, giao thông đi lại khó khăn, vì vậy, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 12 xã thuộc 4 huyện sẽ bầu cử sớm 1 ngày (21-5) so với ngày bầu cử chung của cả nước (22-5). Tổng số cử tri tham gia bầu cử sớm ở 4 địa phương là 17.406 cử tri, trong tổng số 277.229 cử tri toàn tỉnh; 90 tổ bầu cử trong tổng số 704 tổ bầu cử toàn tỉnh. Cụ thể, huyện Kon Plông gồm các xã Đắk Rring, Đắk Nên, Ngọc Tem, Đắk Tăng, Măng Bút. Huyện Sa Thầy gồm xã Mô Ray (bao gồm cả các đơn vị kinh tế, đơn vị lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn xã) và Đồn Biên phòng 705 (xã Rờ Kơi). Huyện Đắk Glei gồm các xã Đắk Blô, Đắk Nhoong (kể cả các Đồn Biên phòng trên địa bàn 2 xã Đắk Blô và Đắk Nhoong). Huyện Tu Mơ Rông gồm các xã Ngọc Yêu, Ngọc Lây, Đắk Na, Đắk Sao.
NHÓM PV
| |