
Đã có 20.000 lượt ý kiến và thư góp ý nhận được từ hai đợt trưng cầu ý dân và ý kiến các cơ quan, tổ chức về tác phong và hiệu quả cải tiến thủ tục hành chính của PC13. Trong đó 95% ý kiến đồng ý cách làm và thái độ phục vụ của PC13 thời gian qua. Với họ, tham gia cuộc vận động “Xây dựng lực lượng CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ” không chỉ làm tròn trách nhiệm được giao mà chính là đang thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy CAND bằng cả tấm lòng.
6 điều Bác Hồ dạy, mỗi thời một cách làm
Những năm 1985-1995, chuyện nhập hộ khẩu về lại TP Hồ Chí Minh khó khăn, không kém gì nhập mới. Thời gian chờ đợi hồ sơ được giải quyết khi ấy, đơn vị được tính bằng “năm” và số lần đi lại, đơn vị tính bằng “chục”. Cầm trong tay giấy xác nhận hộ khẩu gốc của tôi ở Sài Gòn do tàng thư (CA quận Tân Bình) cấp, tôi nghĩ mình sẽ được nhập lại hộ khẩu đã cắt khi đi nhận công tác vùng sâu, vùng xa, 7 năm trước. Dù biết không dễ dàng gì nhưng quả thật tôi vẫn choáng váng khi cậu “cảnh sát hộ khẩu” CA Tân Bình lạnh lùng nói: “Hồ sơ chị khó nhập trở về, do thiếu nhiều... điều kiện?!”. Theo lời “mách nước” của vài người quen, tôi mang gói quà và “cái bì thư” đến nhà anh Nhuận, Đội phó Đội Quản lý hành chính CA Tân Bình. Căn nhà nhỏ chật chội, khuất trong con ngõ nhỏ khu Đệ nhất Khách sạn, tôi ấp úng, bối rối, đưa gói quà ra phía trước; đang cười, anh chợt khựng lại, nói nhẹ nhàng nhưng cương quyết: “Tất cả thủ tục cần làm, tôi đã ghi ra giấy, chị cứ làm đúng, đủ như thế là xong. Cô giáo cầm quà về cho cháu, xin lỗi, tôi phải đi học bây giờ”. Ra về, tôi mang theo cả nỗi thất vọng, ê chề trong lòng. Hẳn, tại món quà tôi không “giá trị” ?!... Thôi thì “còn nước còn tát”, tôi cố làm theo hướng dẫn của anh Nhuận, với chút hy vọng mong manh… Nộp hồ sơ theo hướng dẫn của anh Nhuận, 13 ngày sau tôi chính thức nhập khẩu trở về nhà cũ với sự ngạc nhiên của chính gia đình tôi.

Không chỉ mình tôi được anh “Nhuận Đội phó” giúp mà nhiều bà con nghèo ở Tân Bình cũng được anh giúp đỡ, không vụ lợi. Anh từng cãi lại cấp trên và cam chịu sự giận dữ của “sếp” khi tự tay làm đơn giúp và bảo lãnh cho hai gia đình đi kinh tế mới nhập khẩu trở về trên nền nhà cũ của họ. “Anh không sợ người ta nghĩ anh… này nọ à?”, tôi thả câu hỏi thăm dò. Anh cười: “Tôi từng là cảnh sát khu vực của họ nên biết rất rõ về hoàn cảnh họ. Mình ngay thẳng sợ gì điều tiếng, nỡ nào để con cái họ không được đến trường, công ăn việc làm không có… lỡ cùng đường, họ làm bậy, mình sẽ có tội với Đảng với dân ?”. Nhưng những ai đã không đủ tiêu chuẩn nhập khẩu thì anh cương quyết giải thích. Như chuyện gói tiền “để quên” trên góc bàn làm việc của người Đội phó. Anh thở dài, vì hoàn cảnh người dân lơ đãng kia còn khó khăn hơn gia đình anh gấp nhiều lần. Hết giờ làm việc, anh nhờ anh Minh, Trưởng CA phường 25 (cũ) dẫn đến nơi ở của người dân lơ đãng ấy. Một cái chòi nhỏ dựng giữa khu mả xưa, mốc cời rêu phủ; cha con người thợ mộc đang muốn xin chuyển hộ khẩu từ miền Trung vào đã khóc khi thấy anh mang trả gói tiền. Anh nói: “Bác cầm tiền để dành làm ăn, diện cha con bác không nhập hộ khẩu vào thành phố được đâu, đừng nghe ai xúi giục chạy vạy lung tung, lại mất tiền đó”.
Bóng mát đằng sau tấm huy chương
Có lẽ cuộc đời nhiều sóng gió khi xưa của gia đình khiến anh dễ động lòng trắc ẩn với những hoàn cảnh trúc trắc của dân nghèo. Vào năm 1970, cơ sở cách mạng của gia đình anh Nhuận ở Bình Chánh bị lộ. Người cô và chị của anh lần lượt bị bắt, anh lại đến tuổi đi quân dịch. Cha anh “bốc” cả nhà về quê nội ở Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang) để tránh sự tróc nã. Để tiếp tục hoạt động cách mạng và đi học, gia đình anh bán nhà, bán đất để đút lót cho cảnh sát ở Định Tường, giúp thay đổi thân phận cả nhà. Và công nhân Võ Văn Nhuận “biến” thành học sinh Nguyễn Văn Chi “rất” nhà quê để trở lại hoạt động trong đường dây bí mật nội đô, cài cắm trong nhà máy Ba Son.
Sáng 30-4-1975, Võ Văn Nhuận tham gia tiếp quản và giữ gìn tài sản của Nhà máy Ba Son cùng với nhiều cánh quân khác. Và, anh trở thành một trong những người đầu tiên mặc sắc phục Công an thành phố, những ngày đầu giải phóng Sài Gòn. Từng sống dưới hai chế độ, Nhuận hiểu những khó khăn, thuận lợi của người dân Sài Gòn xưa nay thế nào. Sau này, dù đảm nhận nhiều vị trí công tác trong ngành Công an thành phố: thanh tra, cán bộ tuyển sinh, đội trưởng hậu cần và cán bộ quản lý nhân hộ khẩu từ 1984 đến nay, Võ Văn Nhuận luôn tự dặn lòng - dù ở bất cứ vị trí nào, cũng quyết giúp dân hiểu và tin Đảng bằng lối sống trong sáng với những việc làm vì dân, vì màu cờ sắc áo một cách thiết thực, giản đơn nhất. Điều duy nhất mà anh áy náy thường xuyên - đó là thất hẹn liên tục với con trai nhỏ của mình, thường do công việc bất ngờ ập đến. Hơn 30 năm qua, lần duy nhất anh xin nghỉ phép đưa vợ con đi chơi Phú Quốc cũng không thành. Sát ngày nghỉ, Giám đốc CATP yêu cầu anh thực hiện chuyến công tác đột xuất ra Trung. Sáng ấy, gia đình anh cùng có mặt tại sân bay, để rồi, ai đi đường nấy. Vợ anh, Trưởng ban quản lý chợ Tân Trụ là người phụ nữ tốt bụng và hoạt bát. Chị biết tất cả về các chủ sạp, các món hàng trong ngôi chợ to lớn nhất của quận Tân Phú, thế nhưng chị lại chẳng biết tí gì về công việc của chồng. Gần 30 năm sống chung, chị vẫn chọn vai trò “bóng mát che lưng” những khi anh gặp sóng gió, buồn phiền, lo nghĩ. Anh cười: “Không có nơi nương tựa tinh thần như thế, tôi thật khó hoàn thành tâm nguyện mình cho công việc, bao năm qua”.
Những con số biết cười
Từ tháng 5-2005 đến tháng 5-2006 đã có 214.147 hộ gia đình với hơn 500.000 người được đăng ký nhập khẩu vào TPHCM (đạt 96% hồ sơ nộp), 196.811 hộ với hơn 300.000 người được cấp NK3c (đạt 88,4% hồ sơ nộp) và 161.345 người được cấp NK3c. 3 tháng đầu năm 2006, Đội hướng dẫn công tác quản lý hành chính (do Đội quản lý hộ khẩu, Quản lý đối tượng và Hướng dẫn cảnh sát khu vực sáp nhập theo yêu cầu cải cách thủ tục hành chính) chỉ với 17 đồng chí đã giải quyết cho 50.611 người, tăng 39.877 người, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Hơn thế, những người lính quân hàm đỏ này còn tự “vác ngà voi hàng tổng” - truy xét và giải quyết 3.150 hồ sơ tồn đọng những năm trước, do còn khúc mắc về nhà ở.
Đâu chỉ “nối dài” công việc cho Tổ Tư vấn nhập khẩu, Đội cấp đổi CMND còn làm mới hơn 100.000 tấm CMND cho học sinh đến tuổi vào những ngày thứ bảy để tránh làm mất giờ học của các cháu. Từ tháng 5-2005 đến nay, Đội CMND làm thủ tục cấp, đổi cho hơn 1 triệu người vừa nhập khẩu vào TPHCM và người cấp sổ NK3c. Con số nghe “khủng hoảng” thế nhưng thời gian cấp đổi CMND chỉ còn 9 ngày, thay cho 15 ngày như trước kia. Để có những con số biết cười ấy, khuôn viên Phòng PC13 những ngày cuối tuần trở nên đông vui như ở một công viên.
Thứ bảy, chủ nhật Phòng PC13 không có dân nhưng các cán bộ Tổ Tư vấn và CMND vẫn miệt mài với đống hồ sơ cao ngất và những chiếc bàn phím máy vi tính vẫn tí tách đều đặn. Những bà vợ, ông chồng chở con mang đồ ăn đến cùng tổ chức liên hoan cuối tuần tại góc phòng làm việc với nhau, bởi ngày nghỉ, các trường mẫu giáo nhà trẻ không nhận cháu. “Ban đầu, người nhà chúng tôi cảm thấy “sốc” vì ngày thường đi làm đến hơn 20 giờ đã đành, thứ bảy chủ nhật vẫn thấy chúng tôi mặc cảnh phục đi làm đến 21giờ. Nhưng khi đến đây và thấy công việc chúng tôi làm thì gia đình thông cảm ngay”, Thiếu tá Nguyễn Duy Bình nói thế.
Sự thông cảm của gia đình các cán bộ chiến sĩ Phòng PC13 được nhân đôi khi chính mắt họ tận mặt nhìn những người dân áo vá mang đến biếu cho chồng, vợ họ những món quà quê mùa và những câu nói nặng nghĩa tình: “Nhờ chú (cô) gia đình tôi được sống đàng hoàng, con cháu tôi sẽ có tương lai tốt đẹp, ơn này khó mà trả được”.
Phương Thục
Thông tin liên quan |
Bài 1: Giải mã chuyện “trái trứng – con vịt” |