Chuyện ở Phòng PC 13, CA TPHCM

Bài 1:Giải mã chuyện “trái trứng – con vịt”

Bài 1:Giải mã chuyện “trái trứng – con vịt”

Đăng ký hộ khẩu vào thành phố Hồ Chí Minh, bao năm qua là chuyện “giả tưởng” với nhiều người, bởi hành trình quá gian nan ấy có nhiều “khoảng lặng” bí ẩn. Những “khoảng lặng” nhiều hiềm nghi ấy bị phá vỡ bằng sự quyết tâm thực hiện đợt “cải cách thủ tục hành chính” của những người lính quân hàm đỏ ở Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC 13) thuộc CA TP. “Khoảng lặng” bí ẩn được chọn giải mã đầu tiên là chuyện “Con vịt có trước hay trái trứng có trước”.

Chuyện con vịt - trái trứng

Bài 1:Giải mã chuyện “trái trứng – con vịt” ảnh 1
Lăn tay làm chứng minh nhân dân tại Phòng Cảnh sát quản lý về trật tự xã hội CATPHCM.

Có một quy định “trái khoáy” nhiều người biết – có hộ khẩu mới được làm chủ quyền nhà. Nhưng muốn nhập khẩu vào TPHCM thì phải có nhà và việc làm ổn định.

Bao năm qua, câu chuyện “trái trứng có trước hay con vịt có trước” như thế đã khiến hàng ngàn hộ gia đình dở khóc dở cười. Nhà mua xong, do không có hộ khẩu TPHCM, phải nhờ người đứng tên chủ quyền. Và, khi đi đăng ký nhập hộ khẩu thì không thể chứng minh nhà đó là của mình, và do vậy, lại không đủ điều kiện nhập khẩu?!

Chuyện chị Dung, ở P.13 Phú Nhuận là một điển hình. Hai vợ chồng trẻ từ Vũng Tàu vào TPHCM làm ăn lập nghiệp từ 1987. Đến nay, họ có hai con và có nhà cửa, việc làm ổn định, chỉ thiếu hộ khẩu. Và họ vẫn như người ở trọ trong chính ngôi nhà của mình, suốt 19 năm qua. Tháng 5-2006, điều mà họ chờ đợi 19 năm đã được giải quyết sau 10 phút trình bày sự thật với Trưởng phòng PC 13, Võ Văn Nhuận.

Câu chuyện về cậu thanh niên có số phận “từ trên trời rơi xuống” - Phùng Ngọc Phong cũng lòng vòng như thế. Sinh năm 1979, nhưng mãi đến 2002, Phong mới có giấy khai sinh do quận 1 cấp; trong đó, phần cha mẹ, bỏ trống. Nơi ở của Phong từ khi biết mình là ai chỉ là tên những con đường, hẻm phố, những mái ấm, nhà mở và điểm dừng chân cuối cùng của những tháng ngày lang thang là Trường Giáo dưỡng số 4.

Vươn lên từ những tháng ngày khốn khó ấy bằng chính tâm lực sức trẻ, năm 2003, Phong được CA Bình Thạnh cấp sổ NK3c, với nghề nghiệp: Công nhân tại Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại ATM, sau khi anh mua lại được một căn nhà nhỏ tẹo ở P.5 Bình Thạnh.

Có nhà, nhưng không đứng tên được vì không có hộ khẩu. Muốn đăng ký hộ khẩu Phong lại không có chủ quyền nhà… Người chị họ cùng Phong xin gặp Thượng tá Nhuận để nói hết nguyện vọng cầu may. Tháng 5-2005, cầm sổ hộ khẩu trên tay, Phùng Ngọc Phong đi như trong mơ và mọi cay đắng cuộc đời bao năm như tan biến, bởi cái tâm của người sĩ quan nhân hậu, anh đã gặp.

“Trước đây, các quận ngại xét nhập hộ khẩu cho dân nhập cư vì e họ dùng hộ khẩu đã có để buộc địa phương giải quyết tiếp chủ quyền nhà đất đang tranh chấp, hoặc xây dựng bất hợp pháp… Xin thưa, hộ khẩu chỉ để quản lý con người, không là cơ sở để hợp thức hóa nhà đất đang tranh chấp”, Thượng tá Nhuận nói thế.

Từ thực tế công việc, Phòng PC 13 mạnh dạn đề xuất cách làm mới và nhận được sự đồng tình của UBND TPHCM bằng chỉ thị 32 và BGĐ CATP trong hướng dẫn 07. Sở Xây dựng và Sở Lao động Thương binh và xã hội đã cùng với Phòng PC 13 và CA quận huyện làm việc khá ăn ý, giúp công việc nhanh, gọn và hiệu quả hơn.

Một thành công khác không thể không nhắc đến trong đợt cải cách hành chính này - lòng nhiệt thành với công việc và sự thay đổi nhận thức của cán bộ chiến sĩ phòng PC 13. Và vì thế, thời gian chờ đợi điều “có thể hay không thể” kéo dài từ “năm” nay chỉ còn 15 ngày. Trong trường hợp đặc biệt cần xác minh ở địa phương khác, thời gian tối đa sẽ chỉ là 25 ngày.

Đi tìm ông “mặt đen”

Thứ sáu hàng tuần là ngày Trưởng phòng PC 13 Võ Văn Nhuận tiếp dân. Sáng thứ sáu, tôi ngồi đợi trước phòng tiếp dân với vài chục người dân có khó khăn đặc biệt và họ đang cần một lời khuyên tin cậy từ người có trách nhiệm cao nhất ở PC 13. Nhiều người bảo tôi, họ đã đi từ 4 giờ sáng đến đây để gặp bằng được ông “mặt đen” mới biết chắc gia đình mình “có thể hay không thể” nhập hộ khẩu. Oâng “mặt đen” là ai mà dân tin thế?

Buổi tiếp dân bắt đầu với người đàn ông nhỏ thó, da đen xạm tên Trí, sinh 1948, ở P.14, Q.6. Năm 1970, để trốn lính, ông Trí làm chứng minh thư giả tên Thuần, sinh 1952. Sau 1975, ông muốn được sống lại với tên Trí, nhưng sổ bộ gia đình nơi xưa ông ở chỉ có tên Thuần.

Ông Trí trình bày chuyện mình với Thượng tá Nhuận giọng ấm ức: “Lên - xuống CA Q6 biết bao lần, nhưng lần nào cũng phải về không vì CA Q6 yêu cầu tui chứng minh - tui là Trí mà cũng là Thuần (ông gãi đầu lia lịa). Thiệt, tui chỉ biết xin “thề” và làm cam kết, mà mấy ổng không chịu”. Trưởng phòng Nhuận bật cười: “Công an làm việc phải chứng minh được bằng những chứng cứ xác thực, chỉ dựa trên cam kết, lời thề của ông, chúng tôi giải trình với cấp trên làm sao?”.

Anh giao Thiếu tá Lê Văn Sang: “Cho lấy danh chỉ bản anh Trí và so sánh vân tay anh Thuần trong tàng thư dưới tỉnh xem có giống nhau không, trả lời cho tôi trong 3 ngày tới”. Thì ra, ông “mặt đen” của ông Trí là Thượng tá Võ Văn Nhuận. Thượng tá Nhuận đã giải mã những khó khăn tưởng chừng bế tắc của nhiều hộ dân bằng cách làm có lý nhưng vẫn có tình nên nhiều người dân gọi anh là “ông mặt đen” phỏng theo phim Bao Công.

Theo Trung tá Đoàn Ngọc Minh, người có hơn 15 năm làm công tác cấp CMND của Phòng PC 13, thì cứ 1 triệu người mới có 1 trường hợp vân tay giống nhau, nhưng không thể giống cả 10 ngón được, do vậy, tìm người bằng so dấu vân tay là chính xác. Chuyện đơn giản thế thôi mà hơn chục năm qua CA Q6 “không nghĩ ra”?!.

Cuộc đời Thanh Hà, sinh 1985, ở Thủ Đức là chuỗi ngày nhiều nước mắt. 8 tuổi thì mẹ bị trúng gió chết, 11 tuổi cha chết. Hà được gia đình người cậu ruột nuôi dưỡng và cho ăn học đến hết PTTH. Bao năm qua, dù học hành, sinh sống với giấy khai sinh do UBND quận Thủ Đức cấp, nhưng Hà vẫn chỉ là người tạm cư trên chính mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình.

Cậu Điền của Hà, lên xuống công an quận nhiều lần, nhưng tất cả chỉ là sự im lặng đến chán nản. Đọc bản đề xuất ý kiến của Đại úy Linh và nghe cậu cháu Hà trình nỗi ấm ức của họ, Thượng tá Nhuận nhìn họ bằng cặp mắt cảm thông. Và, 15 ngày sau, Thanh Hà chính thức trở thành người thành phố.

Những người “mở khóa”

Nhận vị trí Trưởng phòng PC 13 gần một năm Trung tá Võ Văn Nhuận mới chính thức “chào phòng” bằng một đợt cao điểm trong công tác cải cách hành chánh mà điểm chọn “mở khóa” là nơi có nhiều hiềm nghi, trắc trở “bí ẩn” nhất đối với dân – Đăng ký nhân hộ khẩu vào thành phố.

Một tổ công tác “mới tinh” của PC 13 được thành lập phục vụ cho “chiến dịch mở cửa lòng dân” có tên gọi Tổ Tư vấn về đăng ký nhập khẩu với 10 cán bộ tình nguyện, do Thiếu tá Lê Văn Sang và Đại úy Nguyễn Văn Linh quản lý. Vị trí khó nhất trong cả tuyến đường dây ấy là cán bộ nhận đơn.Vì sao?

Theo Trưởng phòng Nhuận thì đây là đợt công tác cao điểm nhiều áp lực cả về khối lượng lẫn chất lượng và chắc khâu mở đầu bao giờ cũng nhiều khó khăn, vất vả và chịu nhiều tiếng khen chê của dân, nhất là khi họ đến với nhiều kỳ vọng nhưng điều kiện của họ lại không thể nhập khẩu; từ chối cách nào và thế nào để dân đồng thuận thật không dễ. Anh cho tôi xem nhiều thư gửi khen cán bộ “tuyến đầu” của cuộc cải cách trên, trong đó có những bức thư bộc bạch sự cảm mến nhiều cán bộ vì họ đã trả lại tiền dân “ý nhị” kẹp trong hồ sơ khi trình nộp.

Anh cười thật hiền, nói: “Cán bộ nhận đơn phải “bắt mạch” được hồ sơ xem đủ điều kiện chưa, nếu cần bổ sung giấy tờ gì, cán bộ phải chỉ dẫn cho dân rốt ráo và chỉ được yêu cầu dân bổ sung hồ sơ một lần mà thôi. Và, họ phải chịu trách nhiệm trước cấp trên về những chỉ dẫn của mình”. Một việc làm ngoài chức trách của cán bộ “tuyến đầu” này là phải loại bỏ “các loại cò” trong đăng ký nhập khẩu bằng sự nhạy cảm, tinh tế của họ.

Nhiều cán bộ Tổ Tư vấn sau đợt công tác cao điểm đã rút ra nhiều bài học tinh tế về phương thức giải quyết công việc và chính họ cũng đã thấy những điểm yếu mình cần phải khắc phục...  

Phương Thục
 

Tin cùng chuyên mục