Những nẻo đường... karaoke

Bài 2: Ngăn chặn biến tướng

Bài 2: Ngăn chặn biến tướng

Mới đây trong bản báo cáo về công tác phối hợp đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội và hoạt động của Đoàn II 814/TTg – TPHCM 6 tháng đầu năm 2005 trên địa bàn thành phố cho thấy đoàn đã kiểm tra 168 cơ sở kinh doanh dịch vụ, phát hiện 159 cơ sở vi phạm - chiếm tỷ lệ 85%.

Trong số này chỉ tính riêng karaoke, đoàn kiểm tra 14 cơ sở thì cả 14 đều vi phạm. Ngoài ra, kiểm tra 91 nhà hàng ăn uống phát hiện 51 cơ sở kinh doanh karaoke không giấy phép.

Đoàn đã bắt quả tang các tiếp viên nữ ăn mặc hở hang, khiêu gợi, thậm chí khỏa thân để tiếp khách như các nhà hàng Duy An, Hoàng Long (Bình Thạnh), Đêm Sài Gòn (Q1), Hoàng Long (Phú Nhuận), Tuyết Thành (Q5), Thiện Vương (Q5), Dân Lộc (Q5), Đại Phú Thành (Q5)... Thậm chí, có nơi còn tổ chức bán dâm tại chỗ để câu khách...

  • Có nên đổ tội cho karaoke?

Không thể phủ nhận karaoke là một loại hình văn hóa giải trí thông dụng và phổ biến trong đời sống tinh thần của người dân. Karaoke thông dụng tới mức trở thành một tiện nghi sinh hoạt trong đời sống của nhiều gia đình. Sắm một dàn karaoke về nhà để thoải mái hát hò bây giờ không còn là lạ.

Tuy nhiên, dường như hoạt động này vẫn mang tính tập thể nhiều hơn, vì vậy các phòng karaoke công cộng vẫn luôn đông nghẹt khách lui tới. Giờ đây, không chỉ ở thành thị mà cả những vùng nông thôn hẻo lánh, karaoke cũng len về và trở thành điểm hẹn lý tưởng của nhiều người, nhất là lớp trẻ.

Đầu năm 2005, trước những biến tướng của loại hình này, Bộ VHTT có chủ trương cấm karaoke và dư luận đã dấy lên làn sóng phản đối. Tất nhiên không thể vì không quản lý được nên cấm mà phải nhìn nhận ở mặt tích cực của loại hình này để tìm kiếm những biện pháp quản lý tối ưu. Đối với giới trẻ, karaoke vẫn là một món ăn tinh thần không thể thiếu được.

Thực tế, xóa bỏ karaoke sẽ dẫn tới việc người dân nhất là giới thanh niên đi tìm những hình thức giải trí khác, rồi lại tái hiện cái vòng luẩn quẩn: giải trí-tệ nạn-dẹp. Cái cần nhất bây giờ là định hình một loại karaoke thuần túy để loại hình này trở thành phương thức giải trí lành mạnh cho mọi người dân.

Lấy ví dụ đơn giản, một thương hiệu nổi tiếng trong làng karaoke thành phố là Nnice: từ chỗ năm 1997 chỉ có 1 cơ sở, đến nay Nnice đã có 5 cơ sở nằm rải rác tại 3 quận nội thành TPHCM. Với phòng ốc, trang thiết bị máy móc, âm thanh hiện đại, 60 phòng hát (sức chứa tối đa 35 người/phòng lớn), mỗi ngày Karaoke Nnice phục vụ hàng trăm lượt khách tới vui chơi, ca hát. Những buổi cuối tuần và dịp lễ, tại đây luôn quá tải và nếu khách không đặt chỗ trước sẽ khó lòng tìm được một phòng trống.

Phương thức kinh doanh của Nnice là chỉ sử dụng tiếp viên nam lấy từ sinh viên và bộ đội xuất ngũ. Đến Nnice, khách có thể cảm nhận được sự phục vụ chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên ở đây ngay từ khâu đơn giản nhất là giữ xe. “Chúng tôi sàng lọc khách ngay từ phía ngoài. Kiên quyết không nhận khách có biểu hiện say thuốc, quậy phá.

Một nhân viên có nhiệm vụ phụ trách 2-3 phòng, liên tục vào phòng để phục vụ nước, đá, vệ sinh... đồng thời có thể theo dõi, quan sát khách, nếu phát hiện biểu hiện bất bình thường là mời ra ngay. Một trong những nhu cầu đối với dân lắc đó là âm thanh có cường độ mạnh.

Toàn bộ hệ thống âm thanh để bên ngoài, khách không thể tự động điều chỉnh... cũng giúp hạn chế những khách vô karaoke với mục đích khác. Chúng tôi tuyệt đối tuân thủ quy định của Nhà nước về hoạt động karaoke, đến 22g30 Nnice kiên quyết không nhận khách và 23g30 chúng tôi báo với khách xin lại phòng” – anh Hy, chủ Karaoke Nnice cho biết. Cũng vì lý do đó mà mặc dù giá hát ở Nnice không thấp (ban ngày 20.000đ/giờ; ban đêm 45.000đ/giờ) nhưng Nnice vẫn thu hút rất đông khách.

  • Sẽ quy hoạch hoạt động karaoke

Trong bản báo cáo của Đoàn II 814 của thành phố có nêu những kiến nghị như: Đối với những cơ sở kinh doanh dịch vụ để xảy ra tệ nạn mãi dâm, kích dục hoặc dung túng bao che phương thức khiêu dâm, đồi trụy khi phục vụ khách, đề nghị Hội đồng xử lý thành phố kiên quyết ra lệnh rút giấy phép hoạt động kinh doanh.

Bài 2: Ngăn chặn biến tướng ảnh 1

Đối với cơ sở bị đình chỉ kinh doanh như karaoke, rượu không phép mà vẫn hoạt động, khi tái kiểm tra nếu tiếp tục vi phạm đề nghị tước giấy phép. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” biến tướng rất tinh vi luôn tìm mọi cách để đối phó với đoàn kiểm tra, đề nghị Thường trực Ban chỉ đạo 814/TTg-TP cấp kinh phí khảo sát để đoàn phân công cán bộ khảo sát tại cơ sở có dấu hiệu phát sinh tệ nạn xã hội. Thiết nghĩ, các cơ quan có chức năng cũng cần sớm thông qua.

Cách đây 4 năm, TPHCM là một trong những đơn vị đầu tiên trong cả nước nhận thức được tính phức tạp của loại hình kinh doanh karaoke và cho đến nay cũng chỉ mới có TP tiến hành quy hoạch loại hình dịch vụ này. Cuối tháng 6 vừa qua, Bộ VHTT đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 17/2005/CT/TTg về việc chấn chỉnh các hoạt động tiêu cực trong quán bar, nhà hàng karaoke, vũ trường.

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã tuyên bố: Chính phủ kiên quyết đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Từ đầu tháng 6, Bộ VHTT đã chỉ đạo ngưng tiếp nhận hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với quán bar, vũ trường, karaoke và giấy phép kinh doanh đối với hoạt động karaoke, vũ trường.

Ngay cả những hồ sơ đã tiếp nhận trước ngày ban hành chỉ thị nhưng chưa cấp cũng sẽ không giải quyết. Đối với các giấy phép kinh doanh đã hết hạn nhưng trước đó chủ kinh doanh có vi phạm, gây hậu quả xấu mà chưa bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, Chính phủ chỉ thị: Không được gia hạn hoặc đổi giấy phép kinh doanh khác.

Ngoài việc phải rà soát tất cả các hoạt động kinh doanh nhạy cảm này, Bộ VHTT yêu cầu các cơ quan liên quan thống kê và đánh giá tình hình trên địa bàn mình quản lý gửi báo cáo về Bộ chậm nhất là 30-7-2005 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ làm cơ sở để quy hoạch.

Bước tiếp theo sau khi có văn bản hướng dẫn, UBND các tỉnh, thành phố sẽ xây dựng bản quy hoạch các điểm dịch vụ ở từng địa phương sao cho phù hợp nhu cầu và điều kiện thực tế tại địa phương dựa trên tiêu chí mà Bộ VHTT đưa ra. Như vậy đến cuối năm 2005, dự kiến báo cáo về tình hình quy hoạch karaoke ở mỗi địa phương sẽ được hoàn tất. 

GIANG – HẠNH – VÂN

Tin, bài liên quan:

Bài 1: Nhức nhối karaoke trá hình

Tin cùng chuyên mục