
Chúng ta sắp đi qua những ngày tháng cuối cùng của năm Ất Dậu, trong không khí chộn rộn đón Tết Bính Tuất ở khắp nơi. Biên giới phía Đông Bắc cũng đang vào xuân, trên suốt dải đất biên cương hơn ngàn cây số, những người lính biên phòng ngày đêm chắc tay súng giữ gìn bờ cõi. Trong cái lạnh thấu xương của gió mùa Đông Bắc, bỗng ấm áp một nhành đào phai nở sớm…
- Gian khổ lính biên phòng

Chiến sĩ biên phòng trên chốt tiền tiêu tự nấu bữa ăn đạm bạc cho mình.
Quãng hơn 2 giờ chiều của một ngày tháng chạp, nhóm phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã hành quân (bằng xe gắn máy) lên đến Đồn Biên phòng Đạm Thủy (Trùng Khánh, Cao Bằng). ở độ cao hơn 1.600m so với mặt nước biển, chiều Trùng Khánh lạnh buốt.
Trung tá Hoàng Văn Hưng, Đồn phó Chính trị Đồn Biên phòng Đạm Thủy vồn vã: “Chúng ta nên đi ngay, nếu đợi đến sáng sớm, trời đầy sương mù, khó di chuyển lắm”. Vậy là mấy anh em leo lên xe gắn máy, thẳng hướng thác Bản Giốc. Từ xa, chúng tôi đã nghe thác nước réo ầm ầm. Trạm Kiểm soát biên phòng Bản Giốc do Trung úy Đào Duy Cường làm Trạm trưởng đang tất bật sửa sang lại nơi ở.
Một nhóm chiến sĩ khác và dân quân tự vệ đang cắm ở gần thác, trong căn chòi được quây lại bằng mấy tấm bạt. Trời lạnh 7oC, ban đêm có khi xuống thấp hơn, lúc nào cũng đầy hơi nước. Bản Giốc là thác đẹp nhất Việt Nam, thuộc sông Quây Sơn (chảy từ Trung Quốc sang và hạ lưu lại đổ về Trung Quốc, hiện có khu vực đang khai thác chung). ở phía bờ sông bên này, cảnh quan đẹp nên thơ, không khí mát lành với thảm cỏ, rừng cây xanh ngắt, mây trắng bồng bềnh. Bờ bên kia là nước láng giềng Trung Quốc. Thác Bản Giốc có độ cao 53m và độ rộng 300m, chia thành ba tầng, gồm nhiều ngọn thác lớn nhỏ khác nhau.
Trung tá Hưng diễn tả: “Anh em ở đây cứ 6 tháng lại phải điều chuyển, vì không chịu nổi hơi nước”. Mỗi ngày, Trung úy Cường cắt cử anh em trực, chia đều 24/24 giờ tại điểm chốt này. Trạm Bản Giốc có 11 cán bộ, chiến sĩ, đa số là xa nhà. Ngoài ra, anh em dân quân địa phương cũng được huy động trực cùng.
Tại điểm chốt tiền tiêu, trong căn chòi quây lại bằng bạt đó, anh em kê giường sát lại với nhau. Hưng – một chiến sĩ quê ở Hà Nam xuýt xoa: “Đêm gió rít ghê lắm, nhưng em đã đón 1 cái Tết ở đây rồi”. Ngày mỗi ngày, nhiệm vụ của người lính biên phòng là canh giữ và bảo vệ từng tất đất biên cương Tổ quốc. Mỗi vùng biên đều có sự gian khổ riêng của nó, nhưng nơi biên cương núi cao, vực sâu này, sờ vào đâu, nhìn vào đâu cũng thấy gian khổ.
Trung úy Cường tâm sự: “Vất vả lắm, nhưng tụi tôi cũng quen rồi”. 4 cái Tết, người sĩ quan trẻ này chưa về quê Hưng Yên lần nào. Mùa này gió lạnh thốc người, lạnh đến ngủ trong chăn dày còn chưa đủ ấm, huống hồ gì người lính biên phòng phải đứng gác ngoài trời đêm.
Tại cột mốc 53, cuộc sống còn khó khăn hơn. Đồn biên phòng Đạm Thủy đã cắm ở đây 1 chốt hơn 2 năm nay. Thế nhưng, đó vẫn là căn chòi dựng tạm và quây lại bằng bạt như ở thác Bản Giốc. Khu vực này, nhiều lần người dân nước bạn sang nhổ rau màu của nhân dân ta trồng. Anh em trong chốt phải đấu tranh, giải thích về Hiệp định biên giới, họ mới chịu về.
Trung tá Nguyễn Quang Hòa, Trưởng đồn Đạm Thủy, cho biết, tình hình ở mốc 53 là phức tạp nhất trên toàn tuyến biên giới. Thế nhưng, tại chốt, cán bộ, chiến sĩ phải chia ca trực, tự nấu ăn trong chòi. Trung úy Nguyễn Văn Thủy, Tổ trưởng phụ trách chốt, tâm sự: “Nước sinh hoạt phải xách về bằng can nhựa. Mùa này lạnh quá, anh em mong có một ngôi nhà xây”. Trung tá Hòa nói như phân trần: “Chúng tôi lo lắng nhiều, vì anh em gian khổ quá, nhưng biên phòng thì thiếu kinh phí, còn địa phương cũng chẳng khá hơn”.
- Đón Tết ở biên cương
Trong rộn ràng sắc xuân ở khắp mọi miền đất nước, biên giới phía bắc mùa này trời vẫn đang lạnh buốt, chen lẫn những cành lê trắng nở sớm. Suốt một dãy biên giới từ Hà Giang đến Lạng Sơn, ở đâu cũng thấy tất bật. Tại Đồn biên phòng Đạm Thủy, trung tá Hưng, trung tá Hòa tiếp tục chỉ đạo chiến sĩ quét dọn lại doanh trại.
Riêng ở 2 điểm chốt thác Bản Giốc và mốc 53, anh em vẫn phải đón Tết Bính Tuất trên điểm chốt tiền tiêu là căn chòi quây bạt gian khổ đó. Trung tá Hòa cho biết, gần đến Tết, hội phụ nữ địa phương sẽ lên đồn gói bánh chưng cho anh em. Ngoài tiêu chuẩn quân đội, quà Tết của người lính chẳng có gì ngoài những cành hoa đào biên cương.
Trên hành trình từ Hà Giang qua Cao Bằng, đến Lạng Sơn chúng tôi đi qua con đường từ cửa khẩu Tà Lùng (Cao Bằng) đến huyện Đông Khê, Thất Khê (Lạng Sơn) mịt mù bụi đỏ, không khí lao động công trường thật khẩn trương. Đơn vị thi công công trình (Công ty xây dựng công trình Lạng Sơn) hạ quyết tâm làm xong con đường trước Tết. Giữa núi đồi trập trùng, công nhân dựng lán ở tạm. Anh Nghĩa – quê ở Hưng Yên, công nhân làm đường, bảo có thể năm nay anh sẽ về nhà trễ.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Cao Bằng, năm 2005, kinh tế địa phương có mức tăng trưởng ổn định, đời sống người dân được nâng lên rất nhiều. Quả thật, sự phát triển kinh tế ở một tỉnh miền núi đã đem lại nhiều điều thuận lợi cho bà con. Bà cụ Nguyễn Thị Hồng, năm nay đã 76 tuổi, nhà ở Trùng Khánh (Cao Bằng) cho biết, đón cái Tết năm nay, bà thấy vui nhiều hơn, vì gia đình bà và bà con xung quanh đều có con heo, con bò trong chuồng; nhà nào cũng có ti-vi. Tay lúc nào cũng cầm chắc một cái lò sưởi (đan bằng tre dùng để đựng than), bà cụ Hồng luôn miệng hỏi thăm miền xuôi.
Phía bên Lạng Sơn, đời sống bà con khấm khá hơn, do kinh tế cửa khẩu Lạng Sơn phát triển mạnh hơn ở Cao Bằng. Bác Nguyễn Văn Hà, một cựu chiến binh có gần 3.000m2 đất đồi ở Tân Thanh, Lạng Sơn cho biết, thu nhập từ hoa màu cũng khá đủ sống. Cả vườn lê nhà bác Hà đang nở hoa trắng muốt, hứa hẹn một vụ trái trĩu cành.
Trái với những dự đoán ban đầu của chúng tôi về vùng biên cương đầy khó khăn gian khổ, biên giới phía Bắc cuối năm ất Dậu đang bừng bừng sức sống, nhờ sự đầu tư lớn của Chính phủ trong mấy năm trở lại đây. Thế nhưng, cũng từ vùng biên, việc mua bán, trao đổi hàng hóa, buôn lậu và cả hội nhập kinh tế thế giới, đang đặt ra nhiều thách thức mới.
Nhóm PV Thái Nguyên
Bài 1: Những cửa khẩu bình lặng