Bán lẻ thay đổi trước áp lực cạnh tranh

Trước áp lực cạnh tranh ngày càng lớn, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ đã và đang tái cấu trúc theo hướng loại dần những điểm bán không hiệu quả, mở thêm nhiều mô hình mới hiện đại, phù hợp với xu thế để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nội địa.

Hiện đại hóa bán lẻ tại khu dân cư

Theo đơn vị nghiên cứu thị trường Asia Plus, năm 2020, số lượng từng loại hình bán lẻ tại Việt Nam đã có sự thay đổi rõ rệt so với trước. Số lượng siêu thị giảm 12%, trong khi các mô hình bán lẻ nhỏ hơn như cửa hàng tiện lợi hay siêu thị mini lại tăng mạnh 60%, cho thấy lợi thế phát triển của các mô hình mặt bằng nhỏ, tiết kiệm chi phí dễ phủ rộng nhanh chóng.

Còn theo một khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, hơn 1/3 số hộ gia đình Việt Nam hiện nay chọn mua hàng tại các siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi. Lý do, những nơi này có cơ sở vật chất tiện nghi, dịch vụ tốt, mở cửa 24/24 giờ, hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng... nên đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. 

Đây cũng là điều dễ hiểu khi chỉ tính riêng ở TPHCM đến nay đã có 2.735 cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini và các tiệm tạp hóa hiện đại được các DN đưa vào hoạt động. Trong số các điểm bán lẻ kể trên, Sở Công thương TPHCM cho biết, mặc dù các DN ngoại chiếm ưu thế song gần đây các nhà bán lẻ nội như Saigon Co.op, Satra, Bách hóa Xanh… đã  “chuyển mình” thích ứng và tập trung nhiều hơn cho phân khúc này. 

Bán lẻ thay đổi trước áp lực cạnh tranh ảnh 1 Nhà bán lẻ đầu tư cho các kênh mua sắm gần khu dân cư

Theo báo cáo của Saigon Co.op, nhà bán lẻ này đã đưa vào hoạt động hệ thống 400 cửa hàng Co.op Food chuyên doanh thực phẩm nằm ở các khu dân cư. Từ năm 2016, Saigon Co.op đã phát triển thêm loại hình cửa hàng tạp hóa hiện đại Co.op Smile. Đến nay đã có 99 cửa hàng Co.op Smile được Saigon Co.op đưa vào hoạt động, đạt được hiệu quả nhất định. Bên cạnh đó, cửa hàng Cheer - loại cửa hàng tiện lợi được nhượng quyền thương mại từ đối tác NTUC FairPrice, Singapore cũng được nghiên cứu và đã có 39 cửa hàng đi vào hoạt động. Cửa hàng Co.opSmile và Cheer đã góp phần đa dạng hóa các kênh bán lẻ hiện đại và phần nào đáp ứng thêm nhu cầu của người dân tại khu dân cư. 

Đa dạng kênh phân phối online

Không dừng lại đó, trước xu hướng người tiêu dùng mua sắm ở các kênh thương mại điện tử ngày một nhiều hơn, các nhà bán lẻ truyền thống cũng nhanh chóng “chuyển mình” bắt kịp. Đầu tháng 11-2020, Tập đoàn Phúc Sinh đã công bố phát triển bán lẻ đa kênh trên website, app KPhucsinh trên điện thoại và các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki…

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phúc Sinh, chia sẻ, thế giới luôn thay đổi thì mỗi DN phải nhanh chóng thích ứng, việc ra mắt app bán hàng là bước đi chiến lược của Phúc Sinh để tiến tới trở thành một đại siêu thị kinh doanh đa mặt hàng phục vụ người tiêu dùng Việt.

Cũng trong xu thế này, đầu năm nay Saigon Co.op đã thay đổi phương thức bán hàng từ offline sang online khi đầu tư nhiều hơn cho bán hàng qua điện thoại, app và thanh toán trực tuyến, thanh toán qua ứng dụng “Scan & Go”. Đặc biệt, nhà bán lẻ này đã gặt hái thành quả bước đầu khi đưa một số mặt hàng nông sản, trái cây lên bán trên nền tảng ví điện tử MoMo.

Theo chia sẻ từ lãnh đạo Saigon Co.op, dự kiến giai đoạn 2020-2025, Saigon Co.op sẽ tiếp tục lãnh đạo hoàn thiện về quy trình công việc, nâng cấp phục vụ khách hàng và cho ra mắt trang Co.opmart.vn - phiên bản 2 với nhiều chức năng nâng cao; đồng thời xây dựng và đưa ứng dụng Co.opmart.vn cho di động thông minh vào hoạt động trên kho ứng dụng Google. Bổ sung Scan & Go và cập nhật những hình thức thương mại điện tử khác; nhiều ứng dụng kết hợp thương mại điện tử với kinh doanh truyền thống.   

Sở dĩ việc đầu tư phát triển kênh mua sắm trực tuyến được các nhà bán lẻ mạnh tay thực hiện vì đây là xu hướng chung của ngành bán lẻ tương lai. Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2020, doanh thu thương mại điện tử tại Việt Nam năm 2019 đạt 10,08 tỷ USD, chiếm 4,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Cũng năm 2019, số người Việt tham gia mua sắm trực tuyến đã cán mốc 44,8 triệu người.

Dự báo, năm 2020 con số này sẽ duy trì ở mức tăng trưởng trên 30% và quy mô thương mại điện tử sẽ vượt con số 15 tỷ USD. Với những thống kê ấn tượng này, có thể thấy hoạt động thương mại điện tử đã và đang diễn ra rất sôi động. Chính sự thay đổi này buộc các nhà bán lẻ truyền thống phải thích ứng để có thể tồn tại trước áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn trong hội nhập.

Tin cùng chuyên mục