Theo số liệu thống kê, bình quân mỗi năm cả nước có gần 12.000 người chết và 9.300 người bị thương do tai nạn giao thông. Với các vụ tai nạn thảm khốc trong những tháng gần đây khiến người ta không thể giải thích - vì sao tai nạn giao thông tăng?
Cách đây không lâu đã xảy ra vụ tai nạn giao thông khủng khiếp khi xe container tông trực diện vào xe khách trên quốc lộ 1A thuộc địa bàn tỉnh Bình Thuận khiến xe khách bốc cháy dữ dội, thiêu chết 10 hành khách và làm bị thương 22 người. Rồi người ta gọi chiếc ô tô của một bác sĩ ủi thẳng vào 3 xe con và 12 xe máy đang dừng đèn đỏ khiến 1 người chết, 13 người bị thương trên đường Lý Thái Tổ quận 10 là “xe điên”, bởi người lái xe đã không thể xử lý đúng khi gặp sự cố trên đường, đạp ga thay vì đạp thắng. Hay tai nạn xảy ra ở chân cầu Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1, TPHCM) khi xe du lịch bất ngờ mất lái vượt qua dải phân cách tông thẳng vào chiếc ô tô 4 chỗ làm chết những người trên xe...
Vì đâu nên nỗi? Có nhiều nguyên nhân, song điều khiến mọi người phải suy nghĩ, đó là hầu hết bằng lái xe của tài xế gây ra các vụ tai nạn thảm khốc thời gian qua, đều được cấp từ các tỉnh rất xa. Người ta lo lắng: Hiện có bao nhiêu bằng lái tài xế xe khách, xe tải, ô tô đang sử dụng là “hàng mua”? Nói có sách, mách có chứng. Việc cửa hàng bán xe máy Đức Cường ở Lạng Sơn đã bán xe kèm bằng lái mà không cần thi cử gì. Chỉ sau một năm “tung chiêu” khuyến mại quái gỡ ấy, cửa hàng này đã làm giả 214 bằng lái cho khách và hàng trăm khách mua xe khác đang chờ được chủ cửa hàng xe “cấp bằng lái”.
Sau đó ở Thanh Hóa, CSGT đã khám phá có rất nhiều người sử dụng bằng lái xe giả. Cạnh đó, tai nạn thảm khốc từ những chiếc ô tô đắt tiền do các kiều nữ, thiếu gia cầm lái thời gian gần đây ngày một nhiều hơn, khiến người ta liên tưởng đến vụ việc “bán xe kèm bằng lái” của cửa hàng Đức Cường. Liệu có bao nhiêu cửa hàng đang “bán xe kèm bằng lái” như thế và có bao lái xe có bằng lái xe như thế đang điều khiển xe trên địa bàn TPHCM?
THÚY THÚY