Bảo quản, phục chế: Khoảng trống của thị trường mỹ thuật Việt Nam

Nhiều tranh của các danh họa Việt ở nước ngoài sau đấu giá trở lại cố hương, nhưng công chúng hiếm có dịp chiêm ngưỡng. Một lý do là chủ sở hữu lo ngại công tác bảo quản, phục chế và bảo hiểm nghệ thuật - lĩnh vực mà hiện trong nước gần như không có.
Khách tham quan triển lãm Họa duyên tương ngộ tại Bảo tàng nghệ thuật Quang San
Khách tham quan triển lãm Họa duyên tương ngộ tại Bảo tàng nghệ thuật Quang San

Bảo hiểm bằng cam kết cá nhân

Cuộc triển lãm Hồn xưa bến lạ do nhà đấu giá Sotheby’s tổ chức tại Việt Nam vào tháng 7-2022 là lần đầu tiên công chúng trong nước có dịp tham quan những tác phẩm của họa sĩ Việt Nam ở nước ngoài. Đây cũng là lần tiên các nhà sưu tập trong nước cho mượn tác phẩm để triển lãm với hợp đồng bảo hiểm lên đến cả triệu đôla.

Giám tuyển Ace Lê (Giám đốc điều hành thị trường Việt Nam của Sotheby’s) kể lại: “Trong triển lãm Hồn xưa bến lạ, điều chúng tôi quan tâm chính là bảo hiểm cho tác phẩm nghệ thuật. Có nhà sưu tập cho mượn khá nhiều tranh và hợp đồng bảo hiểm lên đến cả triệu đôla. Đội ngũ vận chuyển tác phẩm và làm các hợp đồng bảo hiểm đều trực tiếp từ Hồng Công, trụ sở chính của Sotheby’s, sang làm việc và thương thảo cùng các nhà sưu tập trong nước. Vì các tác phẩm này có giá trị rất lớn, chúng tôi cố gắng không để xảy ra bất kỳ sơ sót nào, đó là tính chuyên nghiệp gần như tuyệt đối của các nhà đấu giá uy tín trên giới”.

Có thể thấy, bước tiến chuyên nghiệp này gần như chưa có tiền lệ với thị trường trong nước. Hàng loạt triển lãm quy mô diễn ra trong năm, việc mượn tác phẩm để trưng bày không có gì xa lạ, nhưng chủ yếu là cam kết miệng và sự tin tưởng lẫn nhau giữa họa sĩ - nhà sưu tập - đơn vị tổ chức - giám tuyển. Một giám tuyển trong nước chia sẻ: “Có triển lãm diễn ra ở Hà Nội, tôi phụ trách trong khâu tổ chức, có mượn tranh của một họa sĩ ở TPHCM. Tự tay tôi phải vận chuyển, và phải mua luôn hai vé máy bay liền kề, một để ngồi, một để tranh. Việc ký gửi là không dám nghĩ đến, bởi trong quá trình vận chuyển mà xảy ra sơ suất thì đền không nổi, trong khi nước ta hiện gần như không có bảo hiểm về tác phẩm nghệ thuật”.

Thiếu nhân lực phục chế

Một trở ngại lớn khác là nếu tác phẩm nghệ thuật bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển khi triển lãm thì vấn đề phục chế trong nước gần như là bất khả thi. Trước đây, để phục chế tranh của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã nhờ đến các chuyên gia từ Học viện Phục chế nghệ thuật IWAI, Nhật Bản. Hay các tác phẩm như Em Thúy của họa sĩ Trần Văn Cẩn, Mẹ con của họa sĩ Lê Thị Kim Bạch, Rượu cần của họa sĩ Kà Kha Sam… khi phục chế đều phải nhờ sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài.

Một ví dụ điển hình khác là cuộc triển lãm Họa duyên tương ngộ kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Trần Phúc Duyên (1923-1993) vừa diễn ra vào tháng 7 vừa qua. Nhóm tổ chức gồm Phạm Lê Collection (hai nhà sưu tập Phạm Quốc Đạt và Lê Quang Vinh), Bảo tàng nghệ thuật Quang San cùng gia đình cố họa sĩ Trần Phúc Duyên đã phải tốn rất nhiều công sức mới phục hồi được các tác phẩm để giới thiệu công chúng. Nhà sưu tập Phạm Quốc Đạt cho biết: “Sau khi họa sĩ mất, toàn bộ tác phẩm của ông đóng thùng và lưu kho đến năm 2017 mới được phát hiện. Qua thời gian hơn 20 năm không được bảo quản kỹ, đã có hư hỏng. Vì thế, tranh phải được sửa chữa, phục hồi để đảm bảo tính thẩm mỹ, chất lượng trước khi mang ra triển lãm cũng như cho quá trình bảo quản sau này. Có tác phẩm thời gian phục hồi lên đến gần 1 năm trời, để đảm bảo một cách nguyên nhất tinh thần nghệ thuật mà họa sĩ gửi vào tác phẩm”.

Phụ trách phục chế một số tranh của họa sĩ Trần Phúc Duyên, chị Hiền Nguyễn (chuyên viên phục chế tranh) chia sẻ: “Việc tìm hiểu ban đầu rất quan trọng, vì phục chế thì phải hiểu tinh thần, kỹ thuật mà họa sĩ đã dùng thì mới có thể làm đúng được. Có bức tranh, khâu nghiên cứu chất liệu, kỹ thuật vẽ đã mất từ 5-6 tháng. Bức tranh phục chế thành công phải trở lại vẻ đẹp nguyên bản ban đầu, không làm sai nguyên tác, trừ khi điều đó có sự đồng ý từ chính họa sĩ”.

Có thể thấy, phục chế - bảo quản đi đôi với nhau trong công việc sưu tập và trưng bày nghệ thuật. Thị trường trong nước đang có những bước tiến và định danh rõ rệt, nhưng đội ngũ nhân lực chuyên môn hiện tại vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Và không chỉ trong câu chuyện phục chế tranh, ngay cả đội ngũ giám tuyển trong nước, phần nhiều vẫn dựa trên kinh nghiệm làm nghề lâu năm, chứ đào tạo chuyên môn bài bản chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong nước cũng chưa có cơ sở đào tạo giám tuyển, phục chế tranh để đáp ứng nhu cầu cơ bản cho thị trường nghệ thuật chuyên nghiệp.

Tin cùng chuyên mục