Bến Tre tập trung phát triển kinh tế những tháng cuối năm

Bến Tre được đánh giá là tỉnh ở ĐBSCL thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19, các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn dần hoạt động trở lại. Để nền kinh tế của quê hương “Đồng Khởi” tiếp tục phát triển với những con số ấn tượng, địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tái hoạt động sản xuất, cùng với đó là bước đi chiến lược khôi phục phát triển kinh tế những tháng cuối năm và những năm tiếp theo.

Duy trì chuỗi sản xuất

Chia sẻ với Báo SGGP, Giám đốc Công ty Hương Miền Tây Đàm Văn Hưng cho biết, khoảng thời gian tỉnh thực hiện Chỉ thị 16 làm công ty cũng lúng túng, gặp khá nhiều khó khăn. Công ty đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho 30 hợp tác xã trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ nông sản cho nông dân, nhưng việc đi lại khá khó khăn. Dù đã đăng ký “3 tại chỗ”, nông dân không bán bưởi được, nên công ty bị động trong 2 tuần đầu.

Do “3 tại chỗ”, nên khi tỉnh thực hiện Chỉ thị 19, sau là Nghị quyết 128 của Chính phủ, tình hình đi lại thông thoáng, việc kinh doanh sản xuất của công ty dần hồi phục. Khi các chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn (TPHCM), Long Biên (Hà Nội), Đà Nẵng… hoạt động trở lại, việc tiêu thụ cũng dần ổn định, đi vào nề nếp. Ngoài ra, công ty còn xuất được 6 container sang thị trường Trung Quốc, châu Âu.

Bến Tre tập trung phát triển kinh tế những tháng cuối năm ảnh 1 Hoạt động sản xuất kinh doanh dần hồi phục những tháng cuối năm

Còn Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới Cù Văn Thành cho biết: Hiện nay, tình hình sản xuất của công ty đang trở lại trạng thái bình thường. Chúng tôi đang cố gắng duy trì sản xuất an toàn cùng với việc đề ra các phương án tối ưu đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả.

Theo ông Thành, ngoài việc duy trì được “3 tại chỗ” thì điều tiên quyết để giúp doanh nghiệp an tâm sản xuất là chính quyền sở tại ưu tiên tiêm vaccine cho 100% công nhân viên công ty, lực lượng tài xế vận chuyển hàng hóa, cùng với người lao động, các đơn vị có liên quan trong chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, sớm giúp doanh nghiệp dần phục hồi và trở lại trạng thái bình thường... 

Bước đi chiến lược

Theo kế hoạch phục hồi nhanh nền kinh tế của tỉnh những tháng cuối năm, làm nền tảng để phát triển trong năm 2022, các sở ngành và địa phương đã có chính sách miễn giảm thuế, các loại phí, lệ phí, hỗ trợ về tín dụng; hỗ trợ tổ chức sản xuất kinh doanh, trong đó hướng dẫn doanh nghiệp chuẩn bị phương án hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình mới, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19…

Ngoài thực hiện giải pháp hỗ trợ thị trường, như thành lập chuỗi phân phối sản phẩm để hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa, tham gia vào chuỗi cung ứng các doanh nghiệp FDI thì cần giải quyết dứt điểm việc chi hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo quy định.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ, tỉnh đang triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển trong trạng thái “bình thường mới”, với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Việc thành lập Tiểu ban phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thuộc Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh nhằm chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện “bình thường mới”.

Bến Tre tập trung phát triển kinh tế những tháng cuối năm ảnh 2 Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ
Đồng thời nỗ lực phấn đấu, điều hành tăng trưởng kinh tế của tỉnh cao hơn bình quân chung của cả nước, tập trung vào 3 lĩnh vực có tính ưu tiên và nền tảng trong phát triển kinh tế là: khôi phục, phát triển kinh tế nông nghiệp; khôi phục hoạt động các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; phục hồi và phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ an toàn. Ngoài ra, tăng cường các giải pháp tích cực nối lại chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước và quốc tế. Quan tâm hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các hợp tác xã, phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre xác định, việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cần tập trung cao độ, có trọng tâm, trọng điểm, thực hiện quyết liệt, có lộ trình cụ thể, khẩn trương, mà trước hết cần đổi mới tư duy kinh tế, coi doanh nghiệp là một trong những trụ cột trọng tâm; ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng trong tình hình mới; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số trong phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả; quản lý, vận hành xã hội trong tình hình mới.

Bí thư Tỉnh ủy tin rằng, với tinh thần thi đua “Đồng Khởi mới” cùng với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, sự đồng thuận trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, sự chỉ đạo của Trung ương, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và địa phương trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ vừa phòng chống, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh, vừa triển khai nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tình hình mới thì dịch bệnh sẽ tiếp tục được kiểm soát tốt.

Bến Tre nỗ lực thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2021, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh và tầm nhìn chiến lược phát triển tỉnh, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng quê hương Đồng Khởi phồn vinh, hạnh phúc, phát triển nhanh và bền vững.

Tin cùng chuyên mục