Bếp trưởng Olivier Roellinger với “hương liệu và biển cả”

Bếp trưởng Olivier Roellinger với “hương liệu và biển cả”

Xuất thân từ nghề chế biến dược liệu, Olivier Roellinger bắt đầu vào sự nghiệp “bếp núc” từ năm 1979 khi tốt nghiệp cử nhân nấu bếp. Hiện nay ông đã đạt danh hiệu 3 sao Michelin (xếp hạng cao nhất dành cho đầu bếp) và là chủ của hệ thống nhiều khách sạn, nhà hàng có uy tín ở Pháp.

Bếp trưởng Olivier Roellinger với “hương liệu và biển cả” ảnh 1

Bếp trưởng Olivier Roellinger với “hương liệu và biển cả”

Cũng như mọi ngày, chị Liên, chủ cửa hàng hải sản tươi sống ở chợ 19-12 (tên dân dã hơn là chợ Âm Phủ), xếp thêm một mẻ cua bể vẫn còn tươi rói lên chiếc sảo to phía trước để chuẩn bị đón khách.

Là một chợ bán nhiều hải sản tươi sống của Hà Nội, chị Liên đã được đón tiếp khá nhiều khách hàng là người nước ngoài song ít người lại có niềm hứng khởi dành cho hải sản giống như Olivier. Xắn cao tay áo, mặc cho cái lạnh của mùa đông miền Bắc như hàng ngàn mũi kim châm chích vào da thịt, ông thò hẳn cánh tay vào trong bể tôm càng xanh để chọn những chú “quậy phá” nhất.

Rồi lần lượt đến bể cá trình, ghẹ xanh… và ông đã không bỏ qua sảo cua bể vừa được chuyển từ biển Nam Định về sớm nay. Buổi đi chợ để sắm đồ cho bữa tiệc hương vị do ông thể hiện kéo dài gần hết buổi sáng vì đây cũng là lần đầu tiên Olivier phá lệ, nấu nướng ở ngoài nhà hàng danh tiếng của mình.

Chúng tôi đã gặp Olivier, ông tâm sự:

- Chính tình yêu Việt Nam của Didier Corlou (Bếp trưởng cũ của Sofitel Metropole Hà Nội) đã làm tôi thay đổi suy nghĩ. Tôi đã nhận ra rằng để thể hiện khả năng nấu nướng của mình thì đó chính là Việt Nam chứ không phải nơi nào khác... Ngay khi tới Hà Nội, tôi đã ăn bún chả, phở bò và cả bánh cuốn nóng, tất cả đều rất tuyệt! Mọi khâu chế biến món ăn đều diễn ra ngay trước mặt thực khách, chiếc bánh cuốn nóng hổi, xiên thịt nướng thơm nức… rất đặc biệt.

Hiện nay, việc đưa thành công món ăn dân dã của Việt Nam vào trong các khách sạn lớn ở ngay trên đất nước mình của các bạn chính là khởi đầu của những tín hiệu tốt cho hội nhập. Việc tìm hiểu và giữ gìn hương vị món ăn cổ truyền cũng cần đào tạo đội ngũ đầu bếp chuyên nghiệp có tâm huyết để nghiên cứu và sáng tạo các món ăn Việt Nam hiện đại trên chính cái gốc nguyên liệu truyền thống. Các bạn cần lưu ý rằng, Việt Nam đang sở hữu một loại gia vị của biển cả hết sức đặc biệt là nước mắm.

Biết đầu tư và phát huy tốt khả năng ứng dụng của gia vị này cũng là cách để nhiều người biết về Việt Nam hơn. Tôi cùng đoàn làm phim của Đài Truyền hình Pháp TV5 sẽ thực hiện chương trình khám phá hương vị nước mắm tại Cát Hải-Hải Phòng. Chúng tôi sẽ xây dựng hình ảnh về hành trình hương liệu mới với tên gọi “Hương liệu và biển cả” mà điểm khởi đầu sẽ là “nước mắm” của Việt Nam. Sau đó là “cà ri” của Ấn Độ, Nhật, Brazil, Chile, Madagascar…

VĨNH XUÂN

Tin cùng chuyên mục