Khi phở vào văn, lên phim

Khi phở vào văn, lên phim

Ngày xuân nói về phở cũng là nhắc đến một món ăn ngon mang nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của Việt Nam. Phở đôi lúc còn là đề tài được giới văn nghệ sĩ thú vị khi thể hiện qua văn chương, mỹ thuật, phim ảnh...

Khi phở vào văn, lên phim ảnh 1

Joanna Savill, một nhà báo Australia đang tìm hiểu phở Việt Nam ở Hà Nội. Ảnh: Diệu Tân.

Phở là món ăn có mặt ở Việt Nam khoảng những năm đầu thế kỷ 20. Nhiều người đi tìm lai lịch, gốc tích ra đời của phở đã nhận thấy rằng phở đích thị là món ăn của người Việt Nam.

Nhiều người có dịp đi các nước trên thế giới đã nhắc đến những giây phút khá cảm động khi ghé vào một tiệm ăn chính hiệu Việt Nam, được thưởng thức một bát phở Việt Nam ở Paris, California, Warsaw, Berlin, Moscow, Sydney, Vancouver, Seoul hay ngay cả ở Angola, xứ sở của châu Phi xa xôi…

Sống ở nước ngoài, đa số gia đình người Việt đều biết nấu món phở bên cạnh những món ăn truyền thống khác. Có người đã tâm sự: Bây giờ người Việt mình đi xa không chỉ “nhớ quê nhà”, “nhớ canh rau muống”, “nhớ cà dầm tương” mà còn nhớ cả… phở.

Phở được các nhà văn Việt Nam nhắc đến như một món ăn ngon có bản sắc riêng của dân tộc, dù nó xuất hiện không phải từ xa xưa mấy nghìn năm như bánh dầy, bánh chưng hay mấy trăm năm như bánh tét sau này. Trong tác phẩm “Hà Nội ba mươi sáu phố phường”, nhà văn Thạch Lam mô tả gánh hàng phở rong ở gần nhà thương Phủ Doãn. Phở ở đây nổi tiếng ngon nhất Hà Nội nhờ những giọt cà cuống. Bát phở ngon được nhà văn nhận xét là có “nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo, không nát, thịt mở gầu giòn chứ không dai, chanh, ớt với hành tây có đủ cả…”.

Còn nhà văn Vũ Bằng qua quyển “Miếng ngon Hà Nội” đánh giá phở ngon từ bánh phở đến nước dùng. Sức hấp dẫn của nó sẽ làm cho người thưởng thức “ăn một bát lại muốn ăn hai và nếu còn sức ăn nữa thì phải ăn ba không thấy chán”. Những năm Việt Nam mới mở cửa, nhà văn Băng Sơn, chuyên gia văn hóa ẩm thực Hà Nội cũng viết về phở qua “Thú ăn chơi của Hà Nội”.

Nhưng, hơn nửa thế kỷ qua, miêu tả phở ngon, đặc sắc, ấn tượng nhất của Hà Nội có lẽ chỉ có nhà văn Nguyễn Tuân. Với bút pháp tài hoa, tinh tế, ông ví von thật dí dỏm, duyên dáng: “Sáng, trưa, chiều tối, đêm, bất cứ lúc nào cũng là thời gian tuyệt vời dành cho tô phở. Trong ngày, ăn thêm một tô phở cũng giống như pha thêm một ấm trà trong lúc bạn bè tâm giao; hầu như không ai lại từ chối mời đến tiệm phở. Cái hay của phở là người nghèo có thể thết đãi bạn bè mà không lo cháy túi”.

Phở Việt Nam đã đi vào văn học. Bây giờ phở lại lên phim và được thể hiện theo kiểu nghệ thuật đương đại của các họa sĩ trẻ. Hỏi chuyện phở, nữ đạo diễn Vinh Hương cũng “kê khai” một chút kinh nghiệm nghề nghiệp nấu phở, bán phở của chị và nhóm bạn bè năm xưa. Chính nhờ uy tín này mà các nhà làm phim Hàn Quốc và Hãng phim VIFA đã “hỏi thăm” để vận dụng “phở” vào bộ phim truyền hình nhiều tập “Mùi ngò gai”.

Còn Lê Phú Cường, nhân viên của chương trình phát triển nghệ thuật cộng đồng châu Á và cũng là người Việt Nam duy nhất làm việc ở Bảo tàng Casula Power House, Australia đã dành nhiều năm trời để nghiên cứu về phở. Gặp gỡ bạn bè tại thư viện Hội Mỹ thuật TPHCM đầu tháng 10, anh kể: “Năm 2002, thông tin Phở - di sản của Việt Nam, do ông Didier Corlou, một bếp trưởng người Pháp giới thiệu đã làm tôi và nhiều bạn bè tự ái.

Phải làm một cái gì bảo tồn, phát huy và tôn vinh di sản văn hóa đi chứ! Nó thôi thúc chúng tôi thực hiện dự án “Tôi yêu phở”, một cuộc triển lãm tổng hợp nhiếp ảnh, mỹ thuật, nghệ thuật sắp đặt của 10 nghệ sĩ Việt Nam và Australia. Đặc biệt trong buổi khai mạc, chương trình đã tổ chức phần chiêu đãi phở khá quy mô, gồm hơn 400 tô ở Bảo tàng Liverpool (bang New South Wales). Mục đích là giới thiệu phở đến rộng rãi cộng đồng các dân tộc ở đây. Mặc dầu, hôm đó trời mưa dầm nhưng rất nhiều người Việt Nam và người nước ngoài đến tham dự. Một kỳ tích!”.
Gánh phở Việt Nam đã chu du khắp thế giới…

KIM ỬNG

Tin cùng chuyên mục