Đi chợ ở Mỹ

Đi chợ ở Mỹ
Đi chợ ở Mỹ ảnh 1

Ở Santana Row, khu thương mại cao cấp ở Bắc California, các cửa hàng có cách mời như ở Việt Nam: “Mại dô”...

Tại San José, thành phố phía Bắc bang California, nơi có khoảng 80.000 cư dân người Việt sinh sống, chỉ trong vòng bán kính trên dưới 10km đã có hơn 10 hệ thống siêu thị lớn: trung tâm Grand Century, Hải Thành, Lion Plaza... đến các siêu thị Maxim, Walgreens, Ross…

Bảng giá niêm yết thường ghi bằng 3 thứ tiếng: Việt, Hoa, Anh. Chưa kể, trên đường phố San José có khá nhiều bảng hiệu quán ăn, nhà hàng chỉ ghi tiếng Việt.

Ở Nam bang California, khu Little Saigon với thương xá Phước Lộc Thọ đang tiếp tục mở rộng; số cửa hàng trương bảng hiệu bằng tiếng Việt nhiều đến nỗi khách Việt đến đây tưởng như đang đi giữa lòng Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh. Khi đi bộ trên đường phố Boston và ngay cả New York, đây đó vẫn có shop bán thực phẩm, quà lưu niệm với bảng hiệu ghi bằng tiếng Việt.

Vào siêu thị Mỹ, trong một rừng hàng hóa, thật ấm lòng khi trông thấy các sản phẩm mang logo “Hàng Việt Nam chất lượng cao” trên những kệ hàng: nước tương Nam Dương, cà phê Trung Nguyên, Vinacafe, sữa hộp Vinamilk, bột gia vị Vĩnh Thuận… Tại siêu thị Lion và Maxim, hàng Việt Nam tương đối nhiều, thành phần và cách sử dụng trên nhãn được ghi bằng tiếng Việt. Từ cá khô, bánh dừa, chuối bọc nếp nướng đến vú sữa, lồng mứt, mít… đều đã cấp đông và được bày bán khá nhiều. Vài năm gần đây, sản phẩm Việt Nam – đa số là thực phẩm, nước chấm, gia vị đã ghi rõ nguồn gốc: “Products of Viet Nam”.

Giới kinh doanh Mỹ cũng có 1.001 cách giữ chân khách. Hàng khuyến mại có “mọi lúc, mọi nơi”; tập trung hơn vào dịp lễ, Tết. Các xấp quảng cáo miễn phí, in 4 màu, giới thiệu các mặt hàng trong từng đợt giảm giá của các siêu thị được bỏ vào thùng thư từng nhà. Thường người đọc báo chỉ tìm coupon hàng giảm giá (thường 2 USD - 5 USD cho món hàng trị giá dưới 20 USD và từ 100 đến vài trăm đôla cho món hàng trị giá cao hơn) trước khi bỏ vào thùng… rác. Cách khuyến mại ở Mỹ cũng na ná như ở Việt Nam: mua 1 tặng 1; mua 1 giảm 50% cho món hàng thứ 2; mua nhiều, giảm nhiều.

Với các siêu thị lớn, người đóng tiền tham gia hội viên (45 - 50 USD/thẻ/năm) còn được lợi nhiều hơn vì liên tục có hàng giảm giá dành riêng cho hội viên, có khi giảm đến 40% - 50%. Vào các đại siêu thị gần giờ ăn, khách chỉ cần dạo một vòng qua các quầy giới thiệu thực phẩm mới là đủ no bụng... Fry’s, hệ thống siêu thị hàng điện tử lớn ở Cali, cho trả lại hàng khá thoải mái nếu mua trong vòng 15 ngày – không cần có lý do.

Không ít sinh viên vào Fry’s mua máy ảnh chụp cho bạn bè, sau đó, mang trả lấy tiền lại để mua sách học. Hệ thống siêu thị Ross thì dành riêng ngày thứ ba hàng tuần bán giảm 10% cho tất cả khách hàng từ 55 tuổi trở lên. Nhiều công ty liên kết với nhau, nhân viên của công ty này được giảm 10% - 15% khi mua hàng của công ty kia.

Mỹ, một thị trường tiêu thụ trị giá hàng ngàn tỷ USD/năm, quả có nhiều điều để các doanh nghiệp suy gẫm một khi muốn “học buôn, học bán”

ĐÀM THANH

Tin cùng chuyên mục