Những khoảnh khắc Việt Nam trên đất Nhật

Những khoảnh khắc Việt Nam trên đất Nhật

Theo lời mời của Bộ Ngoại giao Nhật Bản tham gia chương trình dành cho phóng viên trẻ của Đông Nam Á và Trung Quốc, Hàn Quốc, phóng viên SGGP đã lên đường đến đất nước hoa anh đào vào tháng 10-2006. Điều đọng lại sau chuyến đi chính là tình cảm ấm áp mà bạn bè các nước dành cho Việt Nam.

Yêu tiếng Việt

Những khoảnh khắc Việt Nam trên đất Nhật ảnh 1
Núi Phú Sĩ.Ảnh: P.V

Biết tôi được rảnh ngày đầu trong khi chờ phóng viên các nước tập trung đông đủ, bác Matsuda - người đã giúp đỡ nhiều du học sinh Việt Nam ở Nhật - không quản đường xa từ Yokohama lên Tokyo làm “tình nguyện viên” đưa tôi đi thăm Kamakura, một trong những kinh đô thời xưa của Nhật.

Nơi đây có tượng Đại Phật bằng đồng cao 13,35m, được dựng lên vào năm 1252 trong một ngôi chùa lớn. Đến thế kỷ 15, một trận sóng thần khủng khiếp đã cuốn trôi ngôi chùa, nhưng tượng Phật không hề suy suyển. Cho rằng đây là phép lạ nên người dân đã giữ nguyên hiện trạng chứ không dựng lại chùa.

Trong câu chuyện về Kamakura, bác Matsuda đã khiến tôi không khỏi xúc động khi cố gắng vận dụng tối đa vốn tiếng Việt học được từ du học sinh. Bác nói cả nhà bác đều yêu mến đất nước Việt Nam nên yêu luôn cả tiếng Việt dù khó phát âm.

Hôm sau, trong buổi cơm tối với người của Bộ Ngoại giao Nhật, bất chợt tôi được chào hỏi bằng tiếng Việt. Ông Hida - Cựu Phó Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM - chậm rãi ôn lại những kỷ niệm ở Việt Nam. Ông nói sau khi về nước ít có dịp sử dụng tiếng Việt nên ông rất sợ một ngày nào đó sẽ quên mất cái ngôn ngữ thân thương này.

Ấn tượng Việt Nam

Những ngày tiếp theo trong cuộc hành trình, tôi luôn cảm nhận được sự quan tâm của người Nhật dành cho Việt Nam. Chị Yamane, anh Sugawara (thủ đô Tokyo, miền Bắc Nhật Bản) cho biết rất thích món ăn Việt Nam có nhiều gia vị đậm đà ngon miệng. Anh Oomae (thành phố Kitakyushu, tỉnh Fukuoka, miền Nam Nhật Bản) thì lập hẳn một kế hoạch đưa những người bạn của mình đến thăm Việt Nam và may áo dài vào dịp đầu năm mới 2007.

Những khoảnh khắc Việt Nam trên đất Nhật ảnh 2

Nữ phóng viên SGGP trước tượng Đại Phật. Ảnh: ISHIKURA

Tôi cũng bắt gặp hình ảnh quê hương trong các tác phẩm gốm sứ Việt Nam được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Quốc gia Kyushu, một trong những bảo tàng lớn nhất Nhật Bản. Và lúc ngắm nghía gian quà lưu niệm của bảo tàng, suýt chút nữa tôi đã reo to khi phát hiện những tượng rồng điêu khắc bằng gỗ nho nhỏ, xinh xinh được ghi chú rõ ràng: mẫu rồng Hội An, bán với giá 157 yen/tượng.

Sang tỉnh Hyogo, đoàn có buổi gặp các giáo sư ở trường Đại học Kobe. Khi biết tôi đến từ Việt Nam, giáo sư Shiozaki vui lắm, ông nhận xét tuy số lượng sinh viên người Việt tại Kobe còn ít ỏi so với sinh viên các nước khác, nhưng họ học hành chăm chỉ, và nhất là rất “tôn sư trọng đạo”. Ông kể tên các học trò một cách trìu mến và vui vẻ cho biết học trò Việt vẫn thường mời ông sang thăm.

Trong hành trình từ miền Bắc xuống miền Nam Nhật Bản, những người tôi đã gặp và tiếp xúc tuy ở các ngành nghề và độ tuổi khác nhau nhưng đều có điểm chung là rất hào hứng khi nói về Việt Nam với áo dài và các món phở, gỏi cuốn, chả giò... Khi trở lại Tokyo, tôi thấy những lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đường phố đón chào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm.

Chợt nhớ đến những lời hỏi thăm của ông Kishi (khu liên hợp Mori ở Roppongi Hills, nơi diễn ra Liên hoan phim Tokyo 2006) về Hội nghị APEC ở Việt Nam. Sự kiện này được dân chúng Nhật rất quan tâm vì đây là lần đầu tiên Thủ tướng Nhật Shinzo Abe công du nước ngoài cùng với phái đoàn hùng hậu đại diện của hơn 100 doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản.

Bỗng thấy tự hào vô cùng vì rõ ràng Việt Nam đã tiến một bước dài trên con đường khẳng định vị thế của mình trong thời đại toàn cầu hóa. 

BẢO TRÚC

Tin cùng chuyên mục