Cát Tiên trên đường trở thành di sản thế giới

Cát Tiên trên đường trở thành di sản thế giới

Ngày 25-12-2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký công văn số 7534/VPCP-VX về việc lập Ban Chỉ đạo xây dựng hồ sơ Vườn quốc gia Cát Tiên đề trình UNESCO công nhận là di sản thế giới vào tháng 9-2007.

Cát Tiên trên đường trở thành di sản thế giới ảnh 1
Tê giác một sừng. (Ảnh tư liệu của VQGCT)

Cát Tiên là một vùng đất rộng lớn nằm dọc sông Đồng Nai, nằm lọt giữa 3 tỉnh là Đồng Nai, Bình Phước và Lâm Đồng. Trong đó, Vườn quốc gia Cát Tiên (VQGCT) với diện tích 73.878 ha với khu dự trữ sinh quyển rộng tới  727.000ha nằm chủ yếu trên địa phận 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng đã được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thứ 411 của thế giới.

VQGCT có nguồn tài nguyên đa dạng sinh học hết sức phong phú - đặc trưng cho kiểu rừng nhiệt đới ẩm thường xanh miền Đông Nam bộ - với các loại rừng gồm: rừng lá rộng thường xanh, rừng hỗn giao, rừng tre nứa, rừng lá rụng thường xanh nửa rụng lá; đất ngập nước với hồ và các trảng cỏ ngập nước theo mùa; các hệ dây leo, cây bụi, cây gỗ nhỏ. Các nhà khoa học đã ghi nhận có 1.300 loài thực vật bậc cao có mạch, trong đó có 34 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam như gõ đỏ, cẩm lai, giáng hương…

Về động vật, VQGCT có những nét đặc trưng của vùng rừng núi cuối dãy Trường Sơn với 77 loài thú, 318 loài chim, 58 loài bò sát, 28 loài lưỡng cư, 130 loài cá. VQGCT cũng đang chứa trong nó di tích Cát Tiên (thuộc vùng đệm) nằm dọc sông Đồng Nai với chiều dài hơn 15km.

Được phát hiện vào năm 1985, qua 8 lần khai quật càng ngày di tích cát Tiên càng gây sửng sốt cho giới khảo cổ với nhiều đền tháp uy nghiêm, hệ thống tường bao liên hoàn; một bộ sưu tập các hiện vật đầy đủ và phong phú bậc nhất trong các đền tháp cùng loại ở dọc miền Trung với rất nhiều linh vật thờ Linga, Yoni nhẵn bóng, trong đó có cái lớn nhất Đông Nam Á cùng vô số hiện vật đá, đồng, kim loại có giá trị khác.

Đến nay, các nhà khoa học đã bước đầu nhận diện được hình hài của một khu Thánh địa cổ, thống nhất được niên đại của di tích Cát Tiên là từ thế kỷ IV -VIII . Việc tiếp tục khai quật sẽ giúp các nhà khoa học tìm được sợi dây liên kết trong một vùng không gian văn hóa rộng lớn ở thượng nguồn sông Đồng Nai.

VĂN  PHONG 

Tin cùng chuyên mục