Xứ núi có làng bánh chưng

Từ khoảng sáu thập kỷ nay, Bờ Đậu (thuộc xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, Thái Nguyên) đã là một địa danh được nhiều người biết đến. Đây là đầu nút giao thông quan trọng, rẽ theo quốc lộ 37 để đi Tuyên Quang, Hà Giang và các tỉnh Tây Bắc, đi thẳng quốc lộ 3 để đến Bắc Kạn, Cao Bằng. Từ thời kháng chiến 9 năm, đoạn đường này đã nườm nượp người xe qua lại.

Cánh lái xe đường dài là khách hàng quen thuộc và quảng bá tích cực nhất cho bánh chưng Bờ Đậu. Quãng đường ngắn có tới trên 30 điểm bán bánh lúc nào cũng đông nườm nượp. Trung bình, mỗi ngày khoảng 10 ngàn bánh chưng Bờ Đậu được bán cho khách vãng lai, bánh đặt các đám cỗ cũng lên tới vài ngàn, dịp Tết có thể tới 40- 50 ngàn bánh mỗi ngày.

Bánh chưng Bờ Đậu có bí quyết gì mà được ưa chuộng đặc biệt như vậy? có người bật mí yếu tố quyết định hương vị thơm ngon của bánh chưng nơi này chỉ là... nước giếng! Xưa nay, cả khu Bờ Đậu có gần 20 giếng nước đặc biệt ngọt mát. Tất cả các hộ làm bánh đều dùng nước từ các giếng này. Lá dong gói bánh phải lấy từ những cánh rừng rậm vùng Na Rì, Chợ Đồn (Bắc Kạn).

Hầu như người dân Bờ Đậu nào cũng đều giỏi gói bánh, không cần khuôn, hàng ngàn chiếc bánh vuông vức, đều chằn chặn. Người gói nhanh mỗi ngày gói được chừng 1.000 bánh các loại. Bánh chưng Bờ Đậu giữ nguyên hương vị từ 7-10 ngày ở nhiệt độ thường mùa đông miền núi phía Bắc và từ 4-6 ngày vào mùa hè.

Với mức lãi 500 đồng/bánh, tuy chưa thể làm giàu nhưng nghề làm bánh đã tích cực xóa nghèo cho người dân Bờ Đậu. Gần đây, các hộ dân đã liên kết lại, đóng góp kinh phí để quảng bá đặc sản bánh chưng Bờ Đậu rộng khắp, họ cũng đã tính tới việc xây dựng thương hiệu cho bánh để có thể xuất khẩu bánh vào dịp Tết Nguyên đán.

VÂN THI

Tin cùng chuyên mục