Tìm đâu tiếng quết bánh phồng

Tìm đâu tiếng quết bánh phồng

Thuở ấy, khi hoa ô môi nở tím ven dòng sông Măng hiền hòa chảy ngang ngôi trường làng Tam Bình (tỉnh Vĩnh Long) quê tôi, cùng với tiếng con bìm bịp kêu nước lớn từng hồi, những cây mai đã lặt trụi lá nhú nụ non tơ chuẩn bị cho mùa xuân những cánh hoa vàng rực rỡ, là ai nấy xôn xao lo quết bánh phồng ăn Tết.

Tìm đâu tiếng quết bánh phồng ảnh 1

Đốt đồng. Ảnh: Hoàng Thanh Vân

Tiếng gà gáy hiệp hai vừa dứt, nhà bên này gọi nhà bên kia, để hẹn cùng nhau bắt chung nhịp chày quết bánh phồng hòa thành điệu nhạc nhịp nhàng trong đêm về sáng, âm thanh gần gũi thân thương đó đã đi vào tâm khảm mọi người không bao giờ quên.

Trời vừa mới hừng đông, các ổ khoai, nếp đã quết chín nhuyễn, tiếng chày nhường lại cho tiếng cười vui tíu tít của các cô gái chải chuốt tươm tất, trên tay cầm cái ống tre cán bánh phồng dài khoảng l5cm.

Đây là đồ nghề riêng các cô tự làm cho vừa tay, như là bảo bối của riêng mình, ít cho ai mượn. Qua mùa bánh phồng, các cô đem treo trên giàn bếp cho khỏi bị mọt ăn, đồng thời cho ống tre ngày thêm bóng mượt. Cán bánh phồng cũng là một trong những điều thể hiện sự dịu dàng khéo léo của các cô thôn nữ.

Cán bánh phải tròn vành vạnh, có đường kính đều tăm tắp 20cm, không được méo mó và chỗ dầy chỗ mỏng. Nhiều người xem mắt cô dâu, trước tiên là xem sự khéo léo cán bánh phồng. Việc làm này không ai lấy tiền công, thường là làm vần công, một dịp để biểu diễn tay nghề, nhờ người mai mối.

Trong đêm 30 Tết, khi mọi người chuyện vãng vui vẻ bên ngọn lửa rơm nướng bánh phồng bằng cài gấp tre, là biết sắp đến giờ đón giao thừa. Bánh phồng là món truyền thống không thể thiếu trong lễ vật cúng giao thừa, nướng bánh vừa xong là tới giao thừa để bánh còn giòn. Bánh phồng còn là quà lì xì cho trẻ con ngày Tết, dạo ấy quê tôi có lẽ vì nghèo nên ít ai lì xì cho trẻ con bằng tiền.

Mới đó mà đã gần 30 năm, quê tôi không còn quết bánh phồng ăn Tết.
 
Mỗi lần thấy thằng Út em tôi khệ nệ mang chai rượu mua ngoài tiệm, với mấy hộp bánh ngọt đựng trong bao bì trang trí màu sắc khá đẹp mắt, để ba tôi làm quà biếu sui gia, ba tôi lặng lẽ quấn thuốc rê không nói lời nào, lát sau mới tằng hắng cất tiếng, giọng buồn buồn: “Mấy thứ hàng chợ này, làm sao sánh bằng chai rượu đế, với vài chục bánh phồng mì, bánh phồng nếp. Những thứ đó tuy mộc mạc nhưng đậm đà tình làng nghĩa xóm, vì nó được làm ra từ gạo nếp quê nhà, với đôi tay khéo léo của các cô gái làng quê.

Gạo nếp ruộng nhà đem chế biến thành bánh phồng, bánh tráng, rượu đế, có gì đậm đà tình nghĩa cho bằng”. Tôi chợt lặng người khi nghe ba tôi nói, lòng bồi hồi xao xuyến, tiếng quết bánh phồng chợt vọng về trong tâm khảm... Tôi nhìn chiếc cối mà từ nào giờ ba má tôi dùng để quết bánh phồng, nay bỏ lăn ngoài hè để quết chuối cho heo ăn. Cái ống tre đã giúp chị tôi một thời nổi tiếng nhất xóm là cô gái khéo tay cán bánh phồng, vẫn còn treo trên giàn bếp, bụi bám nhện giăng, chị đã theo chồng sang xứ khác.

Cơn lốc thị trường khắc nghiệt quá, ngày xưa, cái “bảo bối” ống tre cán bánh phồng càng lên nước bóng ngời, càng chứng tỏ tay nghề thâm niên. Ngày nay nó càng dày lớp bụi thời gian...

NGUYỄN TƯỜNG LỘC

Tin cùng chuyên mục