
Theo kết luận điều tra, trong quá trình giữ chức Trợ lý Bí thư Thành ủy Hà Nội (năm 2020), ông Phạm Thái Hà đã giới thiệu ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT Công ty Thuận An – với chủ đầu tư dự án cầu Vĩnh Tuy 2. Do vậy, Công ty Thuận An được thi công cây cầu này.
Đến tháng 12-2021, thông qua ông Phạm Thái Hà, ông Nguyễn Duy Hưng tiếp tục được giới thiệu với Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang lúc bấy giờ là ông Dương Văn Thái. Từ đó, Nguyễn Duy Hưng biết và có quan hệ với nhiều cá nhân là lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, trong số đó có ông Lê Ô Pích (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang).
Kết luận nêu, lợi dụng mối quan hệ cá nhân, Nguyễn Duy Hưng nhờ ông Phạm Thái Hà tác động đến ông Dương Văn Thái để tạo điều kiện cho Công ty Thuận An được trúng thầu, thi công dự án cầu Đồng Việt.
Tháng 3-2022, ông Dương Văn Thái yêu cầu cấp dưới là Nguyễn Văn Thạo (Giám đốc Ban Quản lý dự án tỉnh Bắc Giang) tạo điều kiện cho Công ty Thuận An được đấu thầu thi công dự án cầu Đồng Việt, trị giá 1.130 tỷ đồng. Được giúp đỡ, Công ty Thuận An đã trúng thầu. Sau đó, bị can Hưng thống nhất với ông Thạo sẽ chi 3% tiền “cơ chế” cho Ban Quản lý dự án tỉnh Bắc Giang.
Song, do Công ty Thuận An không đủ năng lực đấu thầu thi công cầu Đồng Việt nên Nguyễn Duy Hưng đã mời Trần Quang Việt (Tổng Giám đốc Công ty Trung Chính) tham gia liên danh thi công cầu Đồng Việt; các Công ty 168 Việt Nam và Công ty Nam Anh làm thầu phụ cho Công ty Thuận An để thi công hạng mục dây văng, hệ neo yên ngựa...
Theo kết luận điều tra, để có tiền chi phí cho chủ đầu tư, Nguyễn Duy Hưng yêu cầu Công ty Trung Chính và Công ty 168 Việt Nam phải nộp tiền phí 7% ngoài hợp đồng; còn Công ty Nam Anh phải nộp tiền phí 30% ngoài hợp đồng. Một nhà thầu phụ là Công ty TAEC thực hiện thi công phần trụ cầu phải nộp phí 16% ngoài hợp đồng.

Từ đó, Nguyễn Duy Hưng thu tổng số 92 tỷ đồng tiền phí ngoài hợp đồng của các nhà thầu trên. Quá trình thi công, Nguyễn Duy Hưng còn gửi giá, thu hơn 4,8 tỷ đồng tiền chênh lệch giá vật liệu đầu vào của 2 nhà cung cấp vật liệu. Thu được tiền, Nguyễn Duy Hưng đưa cho Ban Quản lý dự án tỉnh Bắc Giang 3,75 tỷ đồng; đưa cho ông Nguyễn Văn Thạo 11 tỷ đồng. Sau đó, ông Thạo đưa lại cho Phó Chủ tịch UBND tỉnh lúc đó là ông Lê Ô Pích 3 tỷ đồng còn giữ lại bản thân 8 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, cơ quan điều tra làm rõ, bị can Phạm Thái Hà có lời khai thể hiện từng “thân thiết” với bị can Nguyễn Duy Hưng từ khoảng năm 2013. Đầu tháng 12-2021, khi biết tỉnh Bắc Giang đang triển khai dự án cầu Đồng Việt, Nguyễn Duy Hưng đề nghị và được bị can Hà đồng ý giới thiệu, tác động đến ông Dương Văn Thái cho Tập đoàn Thuận An được tham gia thi công.
Cuối tháng 12-2021, trong buổi ăn cơm với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang tại nhà Chủ tịch Quốc hội, ông Phạm Thái Hà giới thiệu Nguyễn Duy Hưng với ông Dương Văn Thái, nói Công ty Thuận An là "đơn vị có năng lực, nhờ các anh quan tâm, xem xét cho tập đoàn này tham gia dự án cầu Đồng Việt”. Bí thư Bắc Giang trả lời là “sẽ quan tâm”.
Khai tại cơ quan điều tra, bị can Phạm Thái Hà thừa nhận việc giới thiệu, tác động đến Dương Văn Thái cho Công ty Thuận An được đấu thầu, thi công dự án Cầu Đồng Việt; từ đó Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang tác động cấp dưới là Nguyễn Văn Thạo tạo điều kiện cho Công ty Thuận An trúng thầu. Đây là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến việc Nguyễn Văn Thạo và các cá nhân tại Ban Quản lý dự án tỉnh Bắc Giang, đơn vị tư vấn thiết kế và Công ty Thuận An thông đồng, móc ngoặc trái quy định pháp luật.
Bị can Phạm Thái Hà khai thêm, sau khi trúng thầu, Nguyễn Duy Hưng nhiều lần đưa tiền “cảm ơn” cho gồm 500 triệu đồng tiền mặt và 250 triệu đồng vào các dịp lễ, tết. Tổng số tiền ông Hà nhận là 750 triệu đồng. Hiện bị can đã nộp khắc phục toàn bộ số tiền trên cho cơ quan điều tra.