Bình Dương nỗ lực chỉnh trang đô thị

Bình Dương là một trong những tỉnh có tốc độ đô thị hóa nhanh của cả nước, nhờ đó, khi tách tỉnh cách đây 25 năm, bộ mặt của một tỉnh thuần nông đã thay đổi nhanh chóng. Giai đoạn 2020-2025, tỉnh tập trung thực hiện 4 chương trình đột phá. Trong đó, tỉnh xác định lĩnh vực chỉnh trang đô thị, đầu tư hạ tầng giao thông, xây dựng công viên là nhiệm vụ trọng tâm.
Công trình nạo vét, thi công bờ kè kênh Bình Hòa khi hoàn thành sẽ giải quyết căn bản tình trạng ngập ở TP Thuận An, tỉnh Bình Dương
Công trình nạo vét, thi công bờ kè kênh Bình Hòa khi hoàn thành sẽ giải quyết căn bản tình trạng ngập ở TP Thuận An, tỉnh Bình Dương

Quy hoạch, xây dựng lại đô thị

Ngày 26-6-2012, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 1701/QĐ- UBND về phê duyệt đề án quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Dương tầm nhìn đến năm 2030, xác định mô hình chùm đô thị và đô thị vệ tinh, qua đó tổ chức không gian địa bàn theo hình thái đô thị 3 khu vực. Cụ thể, các huyện thị, thành phố phía Nam xây dựng theo mô hình đô thị nén, mật độ cao, trong đó, khu đô thị Thuận An giữ chức năng dịch vụ - công nghiệp; đô thị Dĩ An giữ chức năng dịch vụ - công nghiệp - đầu mối giao thông. Ở khu vực đô thị trung tâm (TP Thủ Dầu Một), xây dựng theo mô hình đa chức năng, đa trung tâm, là khu vực dịch vụ - công nghiệp - thương mại, riêng khu vực phía Bắc, gồm thị xã Tân Uyên, các huyện Bàu Bàng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, xây dựng theo mô hình đô thị vệ tinh với chức năng công nghiệp, dịch vụ và du lịch.  

Tỉnh Bình Dương cũng xác định không phát triển thêm các khu công nghiệp (KCN) tại các TP Thuận An, Dĩ An và Thủ Dầu Một, tiếp tục phát triển thêm nhiều khu, cụm công nghiệp ở thị xã Bến Cát, Bàu Bàng, Phú Giáo và thị xã Tân Uyên; thu hút lao động, hướng tới phát triển mô hình công nghiệp đô thị tại khu vực này. UBND các cấp triển khai huy động nguồn lực cải tạo đô thị, chú trọng nâng cấp hạ tầng giao thông, thoát nước, phát triển thêm không gian sinh hoạt công cộng cho người dân. 

Tại TP Thuận An, từ năm 2016 đến nay đã huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế kỹ thuật - xã hội, đã đầu tư xây dựng các công trình, chỉnh trang đô thị theo hướng nâng cấp đô thị loại 2, đưa vào khai thác sử dụng các công trình trọng điểm quan trọng như: đường An Sơn 1, Hưng Định 23, An Thạnh 32, Thuận Giao 2, Thuận Giao 10, Thuận Giao 25, Trường THPT Lý Thái Tổ…  Còn tại TP Dĩ An tập trung nâng cấp đô thị theo hướng đáp ứng các tiêu chí lên đô thị loại 1 vào năm 2025, từ đó các dự án đầu tư hạ tầng cũng tập trung ở vùng lõi trung tâm; hàng loạt dự án xây dựng công viên, phát triển mảng xanh, nhựa hóa các tuyến đường cũng đã hoàn thành, như: Khu di tích lịch sử Hố Lang (34ha) tại phường Tân Bình, sân vận động 5.000 chỗ ngồi tại khu trung tâm TDTT thành phố (giai đoạn 1), công viên cây xanh trên đường Nguyễn An Ninh (1ha), công viên cây xanh vườn dầu khu trung tâm hành chính TP Dĩ An…

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm tỉnh Bình Dương đang thực hiện là tập trung phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh, tạo đột phá từ các công trình hạ tầng mang tính tạo lực, đảm bảo kết nối từ trung tâm của tỉnh với thành phố mới Bình Dương và các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cùng đó, lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu xây dựng hạ tầng khu đô thị mới, chỉnh trang TP Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên, cải thiện tình trạng ngập úng, ùn tắc giao thông, mở rộng vỉa hè… góp phần nâng cao chất lượng sống của nhân dân. 

Dịch chuyển KCN - đô thị lên phía Bắc

Nét mới của việc chỉnh trang, nâng cấp đô thị ở Bình Dương tập trung vào khu vực phía Bắc tỉnh như thị xã Tân Uyên, huyện Phú Giáo, Bàu Bàng, nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, xã hội, được đầu tư đồng bộ, tạo nên bức tranh đô thị hài hòa, văn minh, góp phần thu hút người dân tới sinh sống, an cư, điển hình như: đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng; đường Mỹ Phước - Bàu Bàng; cầu Bạch Đằng 2,  nối tỉnh Bình Dương và Đồng Nai; tuyến đường ĐT 742 (từ ngã tư đường Huỳnh Văn Lũy đến giáp cầu Trại Cưa); tuyến đường ĐT 747B (đoạn từ ngã tư vòng xoay cây xăng Kim Hằng đến ĐT747A). Riêng huyện Phú Giáo cũng xây dựng lộ trình hướng tới trở thành địa bàn nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ - đô thị, với tầm nhìn đến giai đoạn 2030-2040, sẽ hình thành 4 khu vực phát triển mới là: khu đô thị mới Phước Hòa, khu đô thị mới An Long, khu đô thị mới An Bình, KCN đô thị và dịch vụ Tam Lập.

Theo ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu các đô thị; tiếp tục triển khai xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp ngoài KCN, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam chuyển đổi công năng, di dời vào các khu, cụm công nghiệp ở phía Bắc tỉnh. Đồng thời, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng hoàn thành đề án cây xanh đô thị trên địa bàn, trong đó tập trung quy hoạch quỹ đất dành cho cây xanh, có lộ trình cụ thể đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, để góp phần nâng chất đô thị; công tác chỉnh trang đô thị ở các huyện, thị, thành phố cũng lưu ý đến đề án phát triển công viên, cây xanh công cộng và quá trình xây dựng thành phố thông minh, đảm bảo có sự đồng bộ giữa cải tạo đô thị hiện hữu, xây dựng đô thị mới, góp phần cải thiện bộ mặt đô thị chung của tỉnh.

Tin cùng chuyên mục