Một năm vượt khó
Năm 2021 là năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (nhiệm kỳ 2021-2025) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI với những thách thức lớn, nhất là dịch Covid-19 đã làm các hoạt động kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đầu năm 2021, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành các kế hoạch, văn bản triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP ngày 1-1-2021 của Chính phủ, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bộ ngành trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội nên 6 tháng đầu năm 2021 cơ bản đạt mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, khoảng tháng 6-2021, dịch bệnh bùng phát mạnh, những địa phương trong tỉnh tập trung nhiều KCN như Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên đã buộc phải phong tỏa nhiều tháng trời với số ca mắc Covid-19 tăng cao chỉ sau TPHCM, làm hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ, nhiều lao động bị mất việc, ngừng việc, đời sống của người dân, nhất là công nhân gặp nhiều khó khăn.
Cùng với sự quan tâm, chỉ đạo, chi viện kịp thời cả về nhân lực, vật lực, y tế, sự đồng tâm hiệp lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 phù hợp với tình hình thực tế giúp tỉnh từng bước đưa cuộc sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại trạng thái bình thường mới theo phương châm an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Đáng chú ý, khi dịch bệnh được kiểm soát, tỉnh Bình Dương triển khai các hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến với nhiều thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã ghi điểm trong mắt giới đầu tư quốc tế về một điểm đến năng động, tin cậy cho các doanh nghiệp trong, ngoài nước.
Phục hồi ấn tượng
Như một chiếc lò xo bị nén lại, nhiều doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi mạnh mẽ sau dịch, giúp tỉnh đạt được chỉ tiêu tăng trưởng ấn tượng với kết quả thực hiện đạt và vượt 21/32 chỉ tiêu kế hoạch năm 2021. Kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vượt gần 15% kế hoạch năm với hơn 2 tỷ USD, gồm 64 dự án đầu tư mới (592 triệu USD), 24 dự án điều chỉnh tăng vốn (808 triệu USD), 161 dự án góp vốn (669 triệu USD).
Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.011 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 37 tỷ USD. Đầu tư trong nước cũng có kết quả ấn tượng khi thu hút được 72.500 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh (tăng 8,3% so cùng kỳ). Nhờ các hoạt động phục hồi kinh tế nhanh chóng mà tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 61.200 tỷ đồng, bằng 96% so với năm 2020, đạt 104% dự toán của HĐND tỉnh. Trong đó, thu nội địa 42.700 tỷ đồng, đạt 100% dự toán; thu thuế xuất nhập khẩu 18.500 tỷ đồng, đạt 116% dự toán.
Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Dương, các ngành nghề có mức tăng trưởng ấn tượng nhất là dệt may (102,74% so cùng kỳ), sản xuất chế biến gỗ (giá trị xuất khẩu hơn 6 tỷ USD, 108% so với cùng kỳ). Toàn tỉnh Bình Dương hiện có 1.215 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ, trong đó có 905 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 10.839 tỷ đồng, 310 doanh nghiệp FDI với tổng vốn đăng ký 2,3 tỷ USD.
Ngay khi áp dụng các biện pháp thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19, ngành gỗ Bình Dương đã liên tục tăng tốc, kết quả kinh doanh cuối năm 2021 khá ấn tượng, tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ chiếm 18,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, chiếm gần 50% kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ cả nước và đã có hơn 80% lao động ngành gỗ quay trở lại làm việc.
Theo ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, năm 2022, tỉnh tiếp tục thực hiện các biện pháp thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng trung bình 8,5%/năm và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.
Trọng tâm là 4 chương trình đột phá, trong đó ưu tiên cho y tế, đẩy mạnh đầu tư công, nhất là công trình giao thông kết nối vùng (QL 13, Mỹ Phước - Tân Vạn, xây dựng đường Vành đai 4; chuẩn bị đầu tư đường Vành đai 3, kể cả cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành…); cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, chuyển đổi số.
Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 2,62% (kế hoạch tăng 8,5%-8,7%); GDP bình quân đầu người đạt 152,25 triệu đồng (kế hoạch 161,8 triệu đồng); cơ cấu kinh tế: công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm với tỷ trọng tương ứng là 67,91% - 21,31% - 3,1% - 7,67% (kế hoạch 65,1% - 23,73% - 3,17% - 8,0%). Ước chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,5% so cùng kỳ (kế hoạch 2021 tăng 9,2%); trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,3%, sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 2,8% và cung cấp nước tăng 1,3%. |