Bình Dương: Ưu tiên đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông

Là địa phương phát triển mạnh các khu công nghiệp (KCN), tỉnh Bình Dương đang đối mặt với thử thách lớn là đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông nội tỉnh; đồng thời xây dựng các tuyến đường mới, kết nối liên vùng để tiếp tục duy trì lợi thế thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông.

Nhiều tuyến đường quá tải

Người dân trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã quen thuộc với cảnh ùn tắc, mặt đường nhiều ổ gà, lượn sóng trên tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, nhất là đoạn đi qua địa bàn phường An Phú, TP Thuận An và phường Tân Bình, TP Dĩ An. Là khu vực tiếp giáp TP Thủ Đức (TPHCM) và TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn có lượng phương tiện vận tải lưu thông dày đặc. Tương tự, tuyến QL13, đoạn qua địa bàn tỉnh, cũng trong tình trạng ùn tắc, ngập úng vào mùa mưa, nhiều năm chưa được khắc phục.

Tại các điểm giao với tuyến đường dân sinh như đường 22-12 (phường Thuận Giao), đường Nguyễn Văn Tiết (phường Lái Thiêu, TP Thuận An), đường Lê Hồng Phong (TP Thủ Dầu Một), tình trạng mưa ngập và tắc đường đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Ngoài một số tuyến đã được cải tạo, đấu nối hệ thống thoát nước như đường Thuận Giao 21, Thuận An Hòa, tại khu vực các giao lộ, do nguồn vốn đầu tư lớn, ngoài kế hoạch nên nhiều tuyến chưa có cải thiện.

Các tuyến giao thông nội tỉnh khác như đường Thống Nhất (TP Dĩ An), đường Cách Mạng Tháng Tám (TP Thuận An), đường Lê Hồng Phong (TP Thủ Dầu Một)… cũng trong tình trạng xuống cấp, thường xuyên ùn tắc, cần sớm đầu tư nâng cấp, để nâng chất đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Đường HL 414 từ thị xã Tân Uyên đi Bắc Tân Uyên do tỉnh Bình Dương đầu tư vừa đưa vào sử dụng. Ảnh: HOÀNG BẮC

Đường HL 414 từ thị xã Tân Uyên đi Bắc Tân Uyên do tỉnh Bình Dương đầu tư vừa đưa vào sử dụng. Ảnh: HOÀNG BẮC

Đáng chú ý, tuyến QL 1K, đoạn qua địa bàn TP Dĩ An, dù chỉ dài 5km nhưng kể từ khi việc thu phí BOT tại trạm thu phí Bình Thung tạm dừng để kiểm toán thì công tác duy tu cũng bị bỏ ngỏ, khiến khu vực này trở thành “điểm đen” tai nạn giao thông. Trạm thu phí bê tông án ngữ giữa đường, cản trở việc di chuyển của các phương tiện, nhưng do tuyến đường chưa được ngành chức năng bàn giao quản lý cho địa phương, nên vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để.

Kết nối đồng bộ tuyến nội vùng, liên vùng

Tỉnh Bình Dương đang triển khai nhiều dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến đường huyết mạch. Cụ thể, dự án nâng cấp, mở rộng Đại lộ Bình Dương - QL 13 (từ 6 lên 8 làn xe, hướng từ TPHCM đi Bình Dương); đoạn qua địa bàn TP Thuận An khởi động từ năm 2022, được triển khai tích cực, nhận được sự đồng thuận của người dân.

Đến nay, một số khu vực đã được thảm nhựa, kỳ vọng toàn dự án về đích kịp tiến độ. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng được địa phương tính toán giá hợp lý, có lợi cho người dân, công tác giải tỏa thực hiện theo phương án cuốn chiếu và đồng bộ đã giúp giảm bớt thời gian.

Đối với tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn, HĐND tỉnh đã thông qua chủ trương đầu tư dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông (dự án O&M) giao cắt các đường tỉnh ĐT 746, ĐT 747B, ĐT 743, mức đầu tư dự kiến hơn 9.600 tỷ đồng.

Theo đó, sẽ có thêm 6 cầu vượt gồm: cầu vượt QL 1A dài 163m; cầu vượt QL 13 dài 300,68m; cầu vượt vào khu ICD TBS - Tân Vạn dài 143m; các cầu vượt đường Phạm Ngọc Thạch; cầu vượt ĐT 741; cầu vượt nút giao XE1 - KCN Mỹ Phước dài 282,75m. 6 hầm chui trên tuyến chính gồm nút giao với đường tạo lực tại Km19+143, nút giao đường Võ Văn Kiệt tại Km25+300; đường NE2 - KCN Mỹ Phước tại Km33+840; đường NA3 - KCN Mỹ Phước tại Km36+660; đường N4 tại Km51+630; vòng xoay tại Km53+120. Ngoài ra còn xây dựng 15 hầm chui đường ngang, 28 cầu vượt cho người đi bộ.

Riêng một số tuyến giao thông nội tỉnh có hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, nhất là hệ thống thoát nước mưa, nước thải dân sinh, phần lớn được tỉnh giao UBND các huyện, thị, TP làm chủ đầu tư. Điển hình như đường Thống Nhất (TP Dĩ An) sẽ được mở rộng thêm 20m, phát triển từ tuyến nội tỉnh thành tuyến kết nối liên vùng với Khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM, Bến xe miền Đông mới và Khu Công nghệ cao TPHCM.

Các địa bàn như TP Thuận An, Tân Uyên, huyện Bàu Bàng cũng khởi động dự án nâng cấp đường Bùi Thị Xuân (từ đường Mỹ Phước - Tân Vạn đến giáp ranh phường Thái Hòa, thị xã Tân Uyên); xây dựng đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng; nâng cấp, mở rộng tuyến ĐH 402, phường Tân Phước Khánh…

Để nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông hiện hữu và đầu tư mới các tuyến giao thông chiến lược (như đường Vành đai 3, 4 TPHCM), ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Bình Dương đã đưa vào kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 tổng số hơn 21.800 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.

Trong đó, có hơn 18.600 tỷ đồng được trích từ nguồn ngân sách tỉnh, gấp 2,17 lần năm 2022, nhằm sớm hiện đại hóa, kết nối đồng bộ các tuyến giao thông nội tỉnh và liên vùng trên địa bàn.

Tin cùng chuyên mục