Ưu tiên phát triển công nghiệp
Những năm đầu sau giải phóng, kinh tế tỉnh Tây Ninh chủ yếu là sản xuất nông nghiệp gia đình, khai thác lâm sản. Hạ tầng giao thông nghèo nàn, khi tỉnh chỉ có 2 tuyến đường nhựa là quốc lộ 22A và quốc lộ 22B nhưng đã bị chiến tranh tàn phá, trong khi các tỉnh lộ, liên tỉnh lộ bị hư hỏng nặng, nhiều đoạn giao thông bị gián đoạn hoàn toàn. Lĩnh vực công nghiệp chỉ có một số ít cơ sở tiểu thủ công nghiệp chế biến nông - lâm sản. Để phát triển kinh tế địa phương, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh xác định phải ưu tiên phát triển công nghiệp.

Từ những năm 1990, tỉnh Tây Ninh bắt đầu xúc tiến xây dựng các khu công nghiệp (KCN) tập trung, đi đôi với mở rộng, nâng cấp kết cấu hạ tầng để tạo điều kiện kêu gọi đầu tư và phát triển kinh tế. KCN Trảng Bàng là KCN khu đầu tiên của tỉnh, được thành lập năm 2000 với quy mô hơn 200ha. Tỉnh lập Công ty Phát triển hạ tầng công nghiệp (Indeco), 100% vốn nhà nước để thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ sở hạ tầng công nghiệp và kêu gọi nhà đầu tư. Ban Quản lý các KCN tỉnh Tây Ninh (Taniza) ra đời theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, được ủy quyền trực tiếp cấp các loại giấy phép và giải quyết thủ tục hành chính tại chỗ, hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết các thủ tục, xử lý khó khăn trong quá trình triển khai và thực hiện dự án.
Hiện nay, tỉnh Tây Ninh có 5 KCN bên ngoài khu kinh tế cửa khẩu đang hoạt động với tổng diện tích 3.383,07ha (trong đó đất công nghiệp có thể cho thuê là 2.549,45ha, đã cho thuê 1.797,91ha) và 1 KCN trong khu kinh tế cửa khẩu đang hoạt động với quy mô 108,11ha, đạt tỷ lệ lấp đầy trên 90%. Lũy kế đến ngày 15-4-2025, các KCN và khu kinh tế của Tây Ninh đã thu hút được 411 dự án còn hiệu lực, gồm 310 dự án FDI tổng vốn đầu tư đăng ký 9,849,03 tỷ USD và 101 dự án trong nước, với tổng vốn đầu tư đăng ký 23.281,18 tỷ đồng. Hiện có 309 dự án đang hoạt động, giải quyết việc làm cho gần 150.000 lao động.
Nhà máy sản xuất lốp xe của Tập đoàn Sailun (Trung Quốc) có vốn đầu tư lớn nhất tại Tây Ninh đến thời điểm này (khoảng 1 tỷ USD), với sản phẩm vỏ xe bán thép quy mô 16 triệu vỏ/năm; vỏ xe toàn thép quy mô 2,6 triệu vỏ/năm; vỏ xe đặc chủng công suất 100.000 tấn/năm; sản xuất và gia công cao su mành sợi vải và cao su mành sợi thép công suất 72.000 tấn/năm; cao su phức hợp công suất 150.000 tấn/năm… Tính riêng năm 2024, nhà máy đạt doanh thu 943,5 triệu USD, nộp ngân sách 542,2 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 5.501 lao động.
Song hành với du lịch
Núi Bà Đen là điểm du lịch quen thuộc, thu hút đông đảo người dân các tỉnh Đông Nam bộ mỗi dịp lễ, tết. Dấu mốc quan trọng tạo bước ngoặt cho sự phát triển du lịch tại núi Bà Đen bắt đầu vào năm 2018, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung phát triển KDL quốc gia núi Bà Đen đến năm 2035 với nhiều phân khu chức năng. Dự án này cũng mở ra cơ hội phát triển mới cho du lịch Tây Ninh và tạo tiền đề giúp tỉnh mời gọi các nhà đầu tư có tiềm lực bỏ vốn phát triển du lịch.
Tháng 1-2020, Sun Group đã đưa tuyến cáp treo hiện đại vào hoạt động tại KDL Sun World BaDen Mountain. Du khách đến núi Bà Đen được khám phá, trải nghiệm lơ lửng trên “cáp treo lớn nhất thế giới” hoặc lướt giữa mây núi để chinh phục “nóc nhà Nam bộ” 986m. Anh Nguyễn An (ngụ TP Tây Ninh), chia sẻ, thay vì mất hàng giờ leo bộ như trước, nay có cáp treo nên du khách thoải mái thưởng ngoạn không gian hoa rực rỡ bốn mùa. KDL này hiện có 3 tuyến cáp treo: tuyến cáp Vân Sơn đưa du khách từ chân núi lên đỉnh Bà Đen, giúp rút ngắn thời gian di chuyển lên đỉnh núi Bà Đen từ 4 giờ theo đường bộ còn 8 phút; tuyến cáp Chùa Hang kết nối từ chân núi lên hệ thống chùa Bà với thời gian chỉ 5 phút; tuyến cáp Tâm An nối thẳng từ hệ thống chùa Bà lên đỉnh núi chỉ trong 5 phút. Gắn liền với 3 tuyến cáp là các nhà ga độc đáo, trong đó nhà ga đặt tại chân núi đạt kỷ lục “Nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới” do Guinness World Record trao tặng.
KDL Sun World BaDen Mountain cũng đầu tư các công trình văn hóa tâm linh là tượng Bồ Tát Di Lặc bằng đá sa thạch lớn hàng đầu thế giới. Đặc biệt, công trình tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn đạt kỷ lục “Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất châu Á tọa lạc trên đỉnh núi” do nhà điêu khắc Phạm Bá Đua thiết kế. Tượng uy nghi giữa mây ngàn hướng đôi mắt nhân từ xuống trần thế, cùng với hệ thống chùa Bà 300 năm tuổi, biến KDL quốc gia núi Bà Đen trở thành điểm đến tâm linh hấp dẫn hàng đầu Đông Nam bộ. Trong năm 2025, KDL quốc gia Núi Bà Đen thu hút khoảng 5 triệu lượt khách/năm và dự kiến đạt mốc 8 triệu lượt khách vào năm 2035.
Trao đổi với PV Báo SGGP, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Hồng Thanh cho biết, tỉnh Tây Ninh sẽ quy hoạch diện tích đất sử dụng cho công nghiệp là 12.050ha và cơ cấu lại ngành công nghiệp, lập quy hoạch phát triển các KCN theo hướng hiện đại và phát triển bền vững; ưu tiên tiếp nhận các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, những dự án đầu tư ít có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ít thâm dụng lao động, có công nghệ tiên tiến và hiệu quả sử dụng đất cao; xây dựng các khu công nghiệp xanh, thực hiện mục tiêu Net Zero.
Đồng thời, tổ chức các trường đào tạo nghề để người lao động trong tỉnh đáp ứng tốt yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong kỷ nguyên chuyển đổi số. Tỉnh Tây Ninh cũng khuyến khích liên kết giữa nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước; hình thành và phát triển các liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị; tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong KCN, khu kinh tế chuyển đổi số; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh theo Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị.