Mặc dù Nhà nước đã có quy định khống chế trần lãi vay, giúp ngăn ngừa tăng chi phí “ảo”, nhưng quy định này cũng tạo ra nhiều ý kiến trái chiều. Khi Nhà nước can thiệp quá nhiều vào quyền tự do thỏa thuận trong kinh doanh sẽ làm cho thị trường trở nên khó khăn hơn.
Nếu không có sự can thiệp bằng chính sách thì không chỉ nhà nước thất thu thuế mà còn tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh (giữa các doanh nghiệp liên kết cố tình chuyển giá) với doanh nghiệp khác. Do vậy, cần cân nhắc để có quy định thống nhất vừa đảm bảo quyền tự do kinh doanh, huy động vốn, vừa chống thất thu thuế cho ngân sách là vấn đề cấp bách để hoạt động thu hút đầu tư đạt hiệu quả cao.
Gần đây, các đại biểu Quốc hội cũng lên tiếng về tình trạng chuyển giá, trốn thuế khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cố tình kê khai khống giá trị vốn đầu tư. Một số nhà đầu tư nước ngoài khai khống giá trị đầu tư thông qua việc nhập máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ từ bên ngoài vào.
Nếu để doanh nghiệp tự do xác định khống giá đầu tư thì chi phí khấu trừ sẽ “ăn” vào lợi nhuận khiến doanh nghiệp lỗ, không phải nộp thuế cho ngân sách nhà nước. Nhưng nếu Nhà nước can thiệp, tức có quyền yêu cầu giám định độc lập để xác định giá trị vốn đầu tư thì hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Hơn nữa, dẫu có được quyền giám định vốn thì cũng chỉ giám định được những tài sản hữu hình như máy móc, thiết bị như quyền sở hữu trí tuệ, lợi thế vị trí đất đai…
Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cũng thừa nhận việc xác định vốn đầu tư và giá trị đầu tư thực tế của dự án cần làm rõ, vì có liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của nhà đầu tư với nhà nước qua việc ưu đãi miễn, giảm thuế, khấu hao, phí bảo lãnh đặt cọc khi thuê đất. Do vậy, Chính phủ cần có quy định cụ thể về việc xác định giá trị vốn đầu tư để làm căn cứ hưởng ưu đãi phục vụ mục tiêu quản lý đầu tư và quản lý thuế, nhằm tăng tính minh bạch, bình đẳng trong cấp ưu đãi đầu tư.
Vì liên quan đến ưu đãi nên một số đại biểu cho rằng, thay vì chăm chăm vào giám định để xác định giá vốn thì chỉ nên ưu đãi khi dự án đi vào thực hiện, tức dự án có đầu tư thực tế, có chi phí thực tế mới được hưởng ưu đãi, chống được hiện tượng đầu tư ảo và khai khống vốn đầu tư. Cơ chế ưu đãi thuế dựa trên chi phí này đã được một số nước áp dụng nên Việt Nam có thể áp dụng thí điểm.
Để đánh giá hiệu quả của thu hút và ưu đãi đầu tư, quan trọng nhất Nhà nước cần có công cụ “lượng hóa” chi phí bỏ ra cho ưu đãi đầu tư thông qua các ưu đãi về thuế, về đất đai… so sánh với khoản thu được để đánh giá chính xác hiệu quả của chính sách.