Blogger du lịch: Không chỉ là trải nghiệm

Bên cạnh việc đi du lịch vì yêu thích, công việc blogger du lịch (travel blogger) có thật sự là một công việc kiếm ra tiền?

Một hình ảnh của blogger Mr.Vivu thực hiện tại Philippines
Một hình ảnh của blogger Mr.Vivu thực hiện tại Philippines

Yêu thích và trải nghiệm

Vài năm trở lại đây, tên gọi “blogger du lịch” thu hút sự quan tâm của đông đảo giới trẻ, nhất là trên mạng xã hội. Hình ảnh về những điểm du lịch hấp dẫn trong nước và những điểm đến nổi tiếng trên thế giới, cùng những bài viết về văn hóa, ẩm thực, điểm tham quan, vui chơi… thu hút nhiều lượt theo dõi, thích và bình luận của những ai quan tâm đến du lịch. Blogger du lịch là cụm từ chỉ những người yêu thích du lịch, lang thang nhiều nơi và ghi lại những miền đất họ đi qua bằng hình ảnh, bài viết, video…

Nhiều tên tuổi blogger thu hút hàng trăm ngàn lượt theo dõi trên mạng xã hội, không thua kém các ngôi sao đình đám của làng giải trí. Bên cạnh những bài viết trên mạng xã hội, blog, website, hay video trên kênh YouTube, nhiều người còn ra sách về những chuyến đi. Và không ít blogger có mặt trong những đề cử giải thưởng mang tầm châu lục như: Trần Việt Anh - người sáng lập Dulichbui24.com, Lê Trung Kiên (Kiyoshi Jiro) - top 4 danh sách đề cử hạng mục “Ẩm thực” của giải thưởng Influence Asia…

Tốt nghiệp Đại học Kinh tế ngành Marketing và trở thành một motiongraphic (thiết kế video, trailer, hiệu ứng video) trong một công ty truyền thông được 3 năm, nhưng đam mê và hứng thú làm việc không còn, cô gái trẻ Nhị Đặng (tên thật là Đặng Thị Hương Nhị) quyết định chọn những cung đường để rong ruổi. Nickname Nhị Đặng trên mạng xã hội với những video, hình ảnh về các chuyến đi đến Myanmar, Iran, Indonesia, Ấn Độ, Nepal… đã thu hút hơn 35.000 lượt theo dõi.

Chia sẻ về quyết định từ bỏ một công việc ổn định để bắt đầu những ngày tháng rong ruổi và trở thành một blogger du lịch, Nhị Đặng cho biết: “Ban đầu tôi không nghĩ là mình sẽ trở thành một blogger du lịch mà chỉ đơn giản vì muốn được tự do thoát khỏi không gian làm việc với văn phòng, bàn giấy. Càng đi càng trải nghiệm và mình thấy công việc của 1 blogger du lịch chuyên về video phù hợp với mình. Tôi đã chọn công việc này”. Nhị Đặng thiên về video, thay vì những bài viết đi bụi với chi phí thấp, hay cách tiết kiệm để đi được nhiều quốc gia trong vòng 1 năm.

Còn với Mr Vivu (tên thật Nguyễn Văn Nguyên) việc chọn rong ruổi trên những cung đường còn là cách để học hỏi thêm nhiều thứ, nhất là ngoại ngữ. Với công việc tiếp thị trực tuyến không bó buộc về thời gian và không gian làm việc, Nguyên đã chọn cho mình những ngày trải nghiệm khắp châu Á để thỏa mãn đam mê du lịch và khám phá. Quyết định trở lại Philippines lần thứ 2 để học ngoại ngữ và sống, làm việc tại đây thêm nửa năm, Nguyên chia sẻ: “Ở các điểm đến, tôi gặp gỡ người dân bản địa, thưởng thức ẩm thực, tìm hiểu văn hóa… Tôi bắt đầu viết và chia sẻ về những miền đất mới. Được sự đón nhận từ nhiều bạn và nhất là những phản hồi, đề nghị hướng dẫn chi tiết về các điểm đến để mọi người cùng tham khảo, tôi dần dần được nhiều người biết đến như một blogger du lịch”.

Kiếm tiền: Dễ mà khó

Công việc của một blogger du lịch là thường xuyên di chuyển, đi nhiều nơi với những vật dụng không thể thiếu như điện thoại, máy chụp ảnh, máy quay phim, máy tính… Nhưng nếu suy nghĩ chỉ việc đi nhiều nơi, cùng vài tấm hình khoe lên mạng xã hội đã có thể trở thành blogger du lịch là hoàn toàn không đúng. “Làm blogger du lịch hay bất cứ lĩnh vực nào, trước hết phải cần có đam mê, kiến thức, khả năng tài chính và sức khỏe tốt. Vì những chuyến đi thường là đi một mình, nên kiến thức, kỹ năng để bảo vệ bản thân là yêu cầu phải có. Trước khi nhận được tài trợ của nhãn hàng nào đó, chi phí cho mỗi chuyến đi đều do các blogger tự bỏ ra”, blogger du lịch 9X Trần Lê Ngọc Thắng chia sẻ.

Các blogger du lịch hiện nay có thể kiếm tiền từ Google Adsense và lượng theo dõi trên YouTube. Đây là hình thức quảng cáo tự động của Google, thu nhập từ việc đặt quảng cáo trong blog cá nhân được tính bằng số click (nhấp chuột) và lượt xem thông qua quảng cáo. Tuy nhiên, nguồn thu từ việc này cũng không thể xem là nguồn thu chính cho các blogger du lịch, vì tiền kiếm từ quảng cáo trên Google hay YouTube ở Việt Nam rất ít. Giá CPM (“cost per 1000 impressions” nghĩa là giá mỗi 1.000 lần hiển thị) mà YouTube chi trả ở Việt Nam là xấp xỉ 2USD/CPM. Nếu video được 100.000 lượt xem, người đăng tải sẽ được 200USD, tương ứng với hơn 4 triệu đồng.

Nhiều blogger du lịch hiện nay cùng chung quan điểm, phần lớn những chuyến đi là để thỏa mãn yêu thích tự do, khám phá cuộc sống hơn là mục đích kiếm tiền, vì để nhận được tài trợ từ các nhãn hàng đòi hỏi các blogger phải bỏ thời gian và đầu tư rất nhiều. Blogger Trần Việt Anh chia sẻ: “Mọi chuyện không hề dễ dàng như mọi người vẫn hay nghĩ về những chuyến du lịch để thư giãn. Để thu hút được nhiều lượt theo dõi, từ đó có thể nhận được lời hợp tác từ các nhãn hàng tài trợ, đòi hỏi blogger phải trau dồi nhiều kỹ năng như chụp ảnh, viết lách hay làm video”.

Blogger du lịch có thực sự là một công việc nghiêm túc để kiếm ra tiền hay không, còn phụ thuộc vào cách làm của mỗi người. Tuy nhiên, ngoài những bài viết chia sẻ về các điểm đến, những kinh nghiệm, mẹo vặt nhỏ trên đường du lịch hy vọng sẽ mang lại những hiệu ứng tốt cho xã hội, thì đã có không ít những tai nạn đáng tiếc xảy ra trong những chuyến đi phượt thiếu kinh nghiệm và hiểu biết.

Tin cùng chuyên mục