Bộ ký họa lý thú của họa sĩ Nguyễn Cao Thương

Tại triển lãm bộ sưu tập những tác phẩm mỹ thuật Việt Nam hiện đại của nhà sưu tập người Thái Lan Tira Vanichtheeranont (trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), người xem đặc biệt chú ý bộ ký họa của họa sĩ Nguyễn Cao Thương, người vừa được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012.
Bộ ký họa lý thú của họa sĩ Nguyễn Cao Thương

Tại triển lãm bộ sưu tập những tác phẩm mỹ thuật Việt Nam hiện đại của nhà sưu tập người Thái Lan Tira Vanichtheeranont (trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), người xem đặc biệt chú ý bộ ký họa của họa sĩ Nguyễn Cao Thương, người vừa được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012.

        Đa dạng

Ông là một trong những họa sĩ Nam bộ đầu tiên tham gia kháng chiến chống Pháp cùng với các họa sĩ Diệp Minh Châu, Huỳnh Văn Gấm, Trần Văn Lắm… Khi còn là một đại đội trưởng bộ binh, họa sĩ Nguyễn Cao Thương đã lập một chiến công gần như huyền thoại lúc bấy giờ: Người đầu tiên dùng súng trường bắn rơi một máy bay Pháp. Dù vậy, tác phẩm của ông không được biết đến nhiều ngoài một vài bức hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ. Thế nên, khi đọc tin và thấy ảnh bức sơn dầu Trần Hưng Đạo đánh trận Bạch Đằng của Nguyễn Cao Thương, ông Ralph Matthew, nhà sưu tầm nghệ thuật người Mỹ, liền gửi thư điện tử cho ông Tira. Ông Matthew tiết lộ rằng mình có một bộ sưu tập ký họa của học sĩ Nguyễn Cao Thương và nếu ông Tira quan tâm, khi nào về TPHCM, hai người sẽ gặp nhau và xem tranh. Tháng 1-2013, hai người gặp nhau tại TPHCM, được xem liền một lúc 256 bức ký họa của họa sĩ Nguyễn Cao Thương về phong cảnh và con người ở Việt Nam, Lào, Nga, Cuba, Mông Cổ…, ông Tira thích lắm. Nhưng cũng chỉ dám đề nghị được chụp ảnh để lâu lâu mang ra ngắm thôi. Hai người cứ chơi với nhau, khi thư từ, lúc đi ăn uống trò chuyện vui vẻ về thú sưu tầm tranh, về nhân tình thế thái. Mãi đến tháng 6-2013, không cầm lòng được, ông Tira mới đề nghị ông Matthew bán lại cho vài bức tranh của Nguyễn Cao Thương. Ông Matthew cười bảo:

- Anh mua thì mua hết bộ ấy đi!

- Ôi! Chắc là đắt lắm, tôi không đủ tiền đâu - ông Tira e dè.

- Anh cứ mua hết đi, tôi bán giá hữu nghị - ông Matthew động viên.

Rồi ông Matthew nói giá 12.000USD, ông Tira mừng rỡ trả tiền. Do không được bảo quản cẩn thận nên bộ sưu tập này bị hư hỏng khá nhiều: bức bị ố, bức bị mối ăn lỗ chỗ. Ông Tira Vanichtheeranont đã phải cậy nhờ các chuyên gia phục chế kỳ công “băng bó” trong một thời gian dài, nhiều bức mới bớt thương tích.

Bộ sưu tập này khiến tất cả phải ngỡ ngàng bởi phong cách làm việc tỉ mỉ của họa sĩ. Tháng 5-1972, khi sang Cuba công tác, ông gặp ông Rigoberto Legrat Quintero, anh hùng lao động chặt mía, thuộc Binh đoàn thanh niên 100 năm, khu Florida, tỉnh Camagušey. Kinh tế của Camagušey chủ yếu là chăn nuôi và trồng mía, tỉnh được biết đến với văn hóa cao bồi với các cuộc đua tài của các anh chàng chăn bò thường xuyên được tổ chức. Thế nên họa sĩ vẽ rất kỹ từ dáng đứng, cách cầm dao, cách cầm cây mía, dáng vung dao để chặt, nụ cười tươi tắn, mắt sáng… tất cả toát lên khí phách ngang tàng, say mê lao động và biến việc chặt mía như làm nghệ thuật của Rigoberto Legrat Quintero. Và ở bất kỳ bức tranh nào của bộ sưu tập này, ta cũng bắt gặp phong cách ấy, dù vẽ một ông lão ngư dân của hợp tác xã đánh cá, một chị công nhân xưởng gốm, một nghệ nhân… ta đều thấy họ rất đáng yêu, rất tự hào với công việc của mình và rất thân tình khi ngồi trò chuyện và để họa sĩ vẽ. Người ta bảo, họa sĩ lớp trước vẽ dáng người đẹp hơn họa sĩ thời nay là bởi đó là dáng thực tế của con người, do họa sĩ quan sát và bắt được cái thần trong những nét vẽ, chứ không phải dáng mà họa sĩ muốn nhân vật tranh phải có, theo ý mình. Cho nên, những dáng người ấy (dù vẽ rất bé) cũng tự nhiên, duyên dáng.

Một số bức ký họa của họa sĩ Nguyễn Cao Thương.

Một số bức ký họa của họa sĩ Nguyễn Cao Thương.

        Khó tính, cô đơn

Họa sĩ Lê Thanh Trừ đã nhận xét như vậy về họa sĩ Nguyễn Cao Thương. Ông kể, mỗi lần có ai đến nhà, bấm chuông, họa sĩ Nguyễn Cao Thương từ trên gác chậm rãi xuống, nhìn ra xem đó là ai, nếu là người ưng ý, ông mới mở cửa cho vào, bằng không thì thẳng thừng mời về. Chính vì khó tính như vậy nên ông rất cô đơn. “Ly dị vợ rồi ông sống thui thủi với cậu con trai suốt hàng chục năm trời. Mỗi lần Hội Mỹ thuật TPHCM có tiệc tùng gì, ông đều lấy dĩa thức ăn mang ra ngồi một mình một bàn một góc lặng lẽ ăn, không trò chuyện với ai”, ông Trừ cho biết.

Nơi ở cũng là xưởng vẽ của họa sĩ Nguyễn Cao Thương ở số 4, đường Nguyễn Thị Diệu, phường 6, quận 3, TPHCM là gian phụ của một biệt thự được chia manh mún thành nhà tập thể, diện tích chỉ vẻn vẹn 16m². Bao nhiêu năm đã qua nhưng họa sĩ Lê Thanh Trừ vẫn vẹn nguyên ấn tượng về lần đến thăm người đồng nghiệp mà mình rất quý trọng vào một ngày năm 1998: “Điều dễ nhận thấy nhất là những bức tranh đủ cỡ dựng đầy theo vách tường và trên giường. Còn nào là va li, ba lô, sách báo, giấy cuộn, vải bố, vật liệu, phác thảo tranh, khung trong, khung ngoài… Một chiếc chiếu khổ nhỏ trải trên nền gạch cũng đầy sách vở và gối, chăn, màn xếp đống, là nơi đêm đến hai cha con cùng ngủ, còn ban ngày là nơi để trò chuyện, uống trà mỗi khi có khách đến thăm. Lão họa sĩ phải dọn dẹp căn phòng để đưa bức tranh ra dựng vào tường cho tôi xem. Đó là bức Bác Hồ thăm một gia đình thương binh sản xuất giỏi ở Tiền Hải, Thái Bình khiến tôi nhớ lại tác phẩm Bác Hồ đến thăm một đơn vị pháo binh phòng không trực chiến (Bác Hồ thăm trận địa pháo ở hồ Tây, sơn dầu, 200cm x 300cm, 1969, giải A triển lãm mỹ thuật 50 năm lực lượng vũ trang toàn quốc 1944 - 1994) lúc họa sĩ còn ở Hà Nội. Tác phẩm mô tả tình cảm ấm áp của Bác, như người cha đến với con, thật xúc động. Lão họa sĩ còn cho xem bức tranh sơn dầu Chuyển đại bác chiến lợi phẩm về căn cứ, vẽ trận đánh hào hùng ở Tầm Vu năm 1947 thu được đại bác 105 li của địch. Chính ông đã tham dự trận đánh và tranh thủ ký họa bằng bút chì trên giấy đánh máy. Năm 1996, từ bức ký họa trên, ông dựng thành tranh. Còn bức tranh sơn dầu đang dở dang đặt trên giá vẽ có tên Tiến về thành phố thể hiện quân giải phóng tiến về Sài Gòn từ Long An. Nét cọ của một lão họa sĩ 80 tuổi mà vẫn mạnh bạo, dứt khoát, hừng hực không khí chiến đấu với tinh thần lạc quan”.

Anh Nguyễn Hiếu Trung, con trai họa sĩ Nguyễn Cao Thương, nhớ rằng cha mình đa phần vẽ theo sở thích, rất ít khi vẽ theo đơn đặt hàng. Tác phẩm Vụ án đồng Nọc Nạn (sơn dầu, 120cm x 200cm, năm 1990) vẽ theo đặt hàng của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ là một trong những bức ông hài lòng. Khi vẽ bức Trần Hưng Đạo đánh trận Bạch Đằng (sơn dầu, kích thước 4m x 2,2m), mô tả vị đại vương nước Việt oai phong lẫm liệt trong trận đánh lịch sử phá tan đạo quân xâm lược phương Bắc trên sông Bạch Đằng, ông nhờ anh đứng trước mặt nắm chặt tay phải để lấy cử chỉ cơ thể vẽ lên cảnh Hưng Đạo đại vương tuốt gươm thét quân sĩ tràn lên đánh thuyền giặc Nguyên Mông.

“Ông cũng dạy tôi vẽ nhưng không ép. Ba sống trầm lặng lắm, khi về hưu càng vẽ ít. Tên khai sinh của ba tôi là Nguyễn Văn Thương, sau này ông mới đổi là Nguyễn Cao Thương, Nguyễn Kao Thương để ký vào tác phẩm”, anh Trung cho biết.

Anh không giữ được bức tranh nào của cha. Anh bảo sách nghiên cứu của cha nhiều lắm. Đi Nga, Pháp, Mông Cổ về ông mang rất nhiều sách, trong đó có nhiều cuốn về giải phẫu người. Nga và Pháp là hai nước ông đi lâu nhất. Ông rất khó tính, có bức vẽ theo đặt hàng của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - TPHCM nhưng rồi sau khi giao tranh, họ có ý kiến này nọ thế nào đó, ông không ưng ý, liền lấy về mà không lĩnh tiền thù lao. Khi bán nhà ông cho người mua nhà rất nhiều tranh. Chả là khi họ đến xem nhà, thấy rất nhiều tranh treo, cuộn, dựng khắp nơi, họ xin xem, ông thấy họ thích liền cho luôn. Bức Trần Hưng Đạo đánh trận Bạch Đằng khi chuẩn bị chuyển nhà, ông dỡ từ trên tường xuống, tháo khung, cuộn lại để một góc chờ khi nào chuyển nhà thì mang đi. Người mua nhà đến thấy liền hỏi xem, thích rồi xin, thế là ông cho luôn anh này. Bức này ông đi lấy tư liệu về trang phục, vẽ phác thảo mấy tháng trời. Ngày đó, anh Trung đang học lớp ba, ông vẽ mỗi ngày đến tám giờ, chín giờ trong suốt mấy tháng mới hoàn thành. Ông ít vẽ sơn mài, đa phần là vẽ sơn dầu và ký họa. “Vẽ sơn dầu độc lắm, lúc nào ba vẽ là mùi xộc lên khắp nhà, tôi ngửi không quen được. Ngày nào ông cũng vẽ nhưng để vận động là chính chứ không nhằm mục đích sáng tác. Thế nên tác phẩm của ông ít lắm. Sáng nào ông cũng xuống ăn sáng, đi chợ rồi về vẽ nhưng vẽ rất chậm. Mối xông nhiều lắm, năm nào ông cũng bỏ đi cả xấp tranh. Ông sống giản dị nên bao nhiêu chế độ ở Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM ưu đãi mà ông không nhận. Ba mất ngày 28-3-2003 sau khi nằm viện ba tuần, kiệt sức rồi mất chứ không bệnh tật gì”, anh Trung tâm sự.

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục