Bỏ rơi khán giả

V-League mùa này nếu nhìn nhận khách quan, chỉ còn vài sân như Thanh Hóa và Cẩm Phả được coi là “chảo lửa” thật sự. Sau khi một số sân bóng khác như Vinh, Chi Lăng, Lạch Tray từng là “thánh địa” của SLNA, SHB Đà Nẵng, Hải Phòng giờ lại không còn nhiều người lui tới.

Điều này khiến V-League chẳng còn như trước. Thời điểm những năm 2009, 2010 sân Chi Lăng, Lạch Tray với 3 vạn chỗ thường bị quá tải, hay sân Vinh sức chứa 20.000 người nhưng nhu cầu lên tới gấp rưỡi, hoặc hơn.

Theo một chuyên gia bóng đá gạo cội phân tích, sở dĩ vậy là do bóng đá Việt Nam nói chuyên nghiệp nhưng sau 14 năm vẫn chưa biết cách xây dựng mối quan hệ, tương tác giữa đội bóng và khán giả một cách hoàn chỉnh. Không ít CLB tiếng là có lực lượng CĐV nhưng thật ra toàn đi thuê mướn, như XMXT.SG ở sân Thống Nhất hay gần hơn là HN T&T trên sân Hàng Đẫy. Thậm chí đội bóng thủ đô còn phải dùng chiêu trò khi nhờ vả nghệ sĩ kêu gọi khán giả đến sân cùng “khuyến mãi” được ngắm chân dài, nhưng các khán đài vẫn vắng hoe mỗi khi thầy trò HLV Phan Thanh Hùng thi đấu.

Nói chung là rất ít có lực lượng CĐV thực thụ gắn chặt với đội bóng của mình, đa phần là “hùa” theo phong độ nhất thời của CLB. Không được nhiều nơi như Than Quảng Ninh, cầu thủ luôn gắng sức mình vì khán giả. Còn người hâm mộ vùng mỏ, dù đội nhà thua liền 3 trận nhưng cũng cất công cổ vũ nhằm làm điểm tựa cho thầy trò ông Đinh Cao Nghĩa.

Thật đau là nếu đội bóng có quên lãng thì nhà điều hành bóng đá cũng chẳng quan tâm người hâm mộ. Chính vì vậy vẫn trong cái vòng lẩn quẩn là muốn người xem đến sân đông nhưng đội bóng không chịu đá ra hồn vì những con tính ngoài sân bóng. Điều này trái với việc U19 VN đá ở Cúp tứ hùng quốc tế 2014 bằng lối chơi trung thực, dù có thua Nhật Bản 7-0 thì ở trận kế tiếp gặp Tottenham, sân Thống Nhất vẫn lèn chặt người xem.

V-League từ nay đến cuối mùa tin là nhiều đội bóng vì người hâm mộ, thay cho giai đoạn lượt đi không ít CLB thiếu tôn trọng khán giả của mình bởi tư duy đá bổng, đá bỏ.

KIM DUNG

Tin cùng chuyên mục