Hệ thống hạn ngạch hợp đồng do Bộ Khoa học và CNTT và Bộ Giáo dục Hàn Quốc cùng xúc tiến. Theo đó, với các ngành đang cần nhân lực, có thể tăng số lượng khoa kỹ thuật tại các trường đại học trong khu vực đô thị lên 10% chỉ trong một năm mà không bị hạn chế bởi quy định tổng hạn ngạch tuyển sinh đối với nhóm trường này. Do chỉ là hệ thống hạn ngạch tạm thời theo đặt hàng của Chính phủ nên ngay cả các khoa, ngành không có trong danh mục tuyển sinh cũng có thể được dành một tỷ lệ nhất định để đào tạo liên kết với các công ty, doanh nghiệp cụ thể.
Dự kiến, hệ thống hạn ngạch hợp đồng được áp dụng ngay từ đầu năm 2023 khi năm học mới bắt đầu. Kế hoạch cụ thể sẽ được công bố sau khi 2 bộ nói trên thống nhất về nhu cầu nhân lực từ doanh nghiệp cũng như khả năng đào tạo của các trường đại học.
Lý do Chính phủ Hàn Quốc thúc đẩy việc áp dụng hệ thống hạn ngạch theo đặt hàng là tình trạng thiếu nhân lực tại các khu công nghiệp rất nghiêm trọng. Theo Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hàn Quốc, ngành công nghiệp bán dẫn trong nước đang thiếu hụt khoảng 3.000 nhân lực mỗi năm. Viện Nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc gần đây dự báo nguồn cung và nhu cầu về nhân lực có trình độ cử nhân trở lên trong lĩnh vực khoa học công nghệ sẽ thiếu khoảng 47.000 người trong giai đoạn năm 2024-2028.
Ngoài chương trình trên, Bộ Khoa học và CNTT cũng đang xúc tiến giới thiệu “Chương trình học tập nhanh” cho phép sinh viên lấy bằng trong thời gian ngắn. Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) từ tháng 9 năm nay sẽ tiến hành đào tạo Hệ thống chứng chỉ cấp tốc chỉ trong một năm. Trong khi đó, từ năm tới, các chương trình cử nhân kỹ thuật số và thạc sĩ tại mỗi trường đại học cũng được mở rộng song song với việc Chính phủ mở rộng chương trình hỗ trợ lâu dài và ổn định cho các nhà nghiên cứu xuất sắc kéo dài tối đa 10 năm.
Kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao nêu trên phù hợp chủ trương của Chính phủ Hàn Quốc nhằm thúc đẩy các công nghệ mới như chất bán dẫn, công nghệ sinh học và hàng không vũ trụ với sự hợp tác của khu vực tư nhân. Trong các lĩnh vực mà thị trường mới khai mở như truyền thông lượng tử, sinh học và công nghệ thông tin thế hệ thứ 6 (6G), Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch phát triển công nghệ cơ bản và cốt lõi sớm để bảo đảm các bằng sáng chế cốt lõi. Trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ liên quan đến nhà máy điện hạt nhân quy mô nhỏ cũng là lĩnh vực được lựa chọn ưu tiên đầu tư phát triển.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia phát triển công nghệ hàng đầu châu Á. Những yếu tố giúp nước này đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong lĩnh vực công nghệ là chính sách linh hoạt của Chính phủ trong lĩnh vực thu hút đầu tư và chú trọng đến hệ thống giáo dục. Giáo dục ở Hàn Quốc thiên về các môn học truyền thống như Toán học, Khoa học, là điều kiện tiên quyết cho nhiều ngành nghề kỹ thuật của kinh tế số. Học sinh không được dạy theo kiểu truyền thống với bảng đen và sách vở. Thay vào đó, trường học tích hợp CNTT tại tất cả các cấp để đào tạo “học sinh ở thế kỷ 21”.