Phòng tranh Eight (số 8A Phùng Khắc Khoan, quận 1 TPHCM) vừa khai trương và mở đầu là trưng bày giới thiệu bộ sưu tập ký họa của danh họa Nguyễn Phan Chánh. Ông Trần Hậu Tuấn, chủ nhân bộ sưu tập, cho biết khoảng thời gian 2000 - 2008, ông đã gặp lần lượt 3 người con của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh: con gái út Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, trưởng nam Nguyễn Phan Quang (lúc đó đang sống tại TPHCM) và trưởng nữ Nguyễn Thị Nguyệt Tú (sống ở Hà Nội).
Ngoài việc lưu giữ một số tác phẩm vẽ trên lụa, họ còn giữ được gần như toàn bộ các phác thảo, ghi chép nghiên cứu và ký họa của Nguyễn Phan Chánh, được vẽ bằng các chất liệu bút chì, chì than và thuốc nước.
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân tham dự buổi triển lãm đã nhận định về vai trò của lớp họa sĩ đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đối với lịch sử mỹ thuật Việt Nam đầu thế kỷ XX; trong đó vị trí của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh khá ấn tượng, độc đáo với sự chọn lựa con đường nghệ thuật vẽ tranh lụa truyền thống phương Đông và Việt Nam, từ bổ sung kiến thức cơ bản của nghệ thuật tạo hình phương Tây.
Nguyễn Phan Chánh đã nổi tiếng ngay từ những năm 1930 với hình ảnh người nông dân Việt trên nền tranh lụa đậm đà phong vị dân tộc. Những tác phẩm lúc ấy và sau này đã làm nên tên tuổi họa sĩ: Chơi ô ăn quan, Em bé cho chim ăn, Lên đồng, Rửa rau cầu ao, Cô gái và con trâu, Rê lúa, Sau giờ trực chiến, Trăng tỏ, Trăng lu, Tiên Dung và Chử Đồng Tử… nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân cũng như những nhà mỹ thuật nổi tiếng đã đánh giá cao nhận thức và bản lĩnh của Nguyễn Phan Chánh khi chuyển tiếp căn cốt văn hóa truyền thống trong buổi đầu văn hóa phương Tây xâm nhập vào Việt Nam.
Nhiều nhà hoạt động mỹ thuật và công chúng yêu nghệ thuật cũng đánh giá ý nghĩa bộ sưu tập ký họa và trưng bày ký họa tranh Nguyễn Phan Chánh rất xứng đáng là một sự kiện mỹ thuật.
Phòng tranh Eight sẽ trưng bày giới thiệu bộ sưu tập này từ 25-3 đến 25-4-2011.
KIM ỬNG