U19 Nhật Bản vừa giành chức vô địch giải U19 quốc tế 2014 bởi sức trẻ, sự chuyên nghiệp và nền tảng kỹ - chiến thuật căn bản. Mục tiêu của đội tuyển này là vô địch giải châu Á vào tháng 9 tới. Đáng chú ý, trong đội hình hiện tại có không ít cầu thủ xuất thân từ bóng đá học đường. Cũng nhờ “nguồn” này mà tìm được nhiều cầu thủ giỏi đóng góp lên đội tuyển Olympic cũng như cung cấp cho J-League.
Sở dĩ nói chuyện này là vừa rồi, ở đại hội thường niên HFF cũng có nhắc sẽ đầu tư bóng đá học đường mà có người tin sẽ làm được việc.
Thật ra không phải đến giờ mới đề cập việc đó, nếu không muốn nói đó là đề tài cũ. Vậy mà bóng đá học đường của ta vẫn không thể phát triển nổi, dù có nhiều văn bản liên kết giữa hai phía giáo dục và thể thao, nhưng cũng chỉ là hai đường thẳng song song chứ không có điểm giao nhau. Có nghĩa, nói bóng đá học đường cũng chỉ đến hẹn lại lên với đại hội TDTT, Hội khỏe Phù Đổng chứ còn VĐV để lấy thành tích vẫn là do các trung tâm đào tạo đảm nhiệm, còn học đường thì đứng ngoài nhìn.
Ý tưởng của HFF là tốt khi nhiều người từng bỏ quên trước đó, nhưng đi vào thực tế nhất là vấn đề cơ sở vật chất mới thấy không biết xoay trở kiểu gì. Mà việc này ngày trước nhiều quan chức thể thao cấp Bộ đã từng bức xúc, do các trường học tận dụng sân chơi của học sinh để cho thuê, nhưng cũng không thấy ai “gõ xuống”.
Một vấn đề cũng cần nói nữa, nhiều phụ huynh giờ rất ngại cho con theo nghề cầu thủ, nhưng chẳng ai đứng ra cam đoan đá bóng cũng là một nghề có tương lai rõ ràng. Trong khi ở các nước, học sinh được gọi lên tuyến U hoặc cao nữa ai nấy đều mừng, còn ở ta cha mẹ nào cũng ngại, do con lên tuyển dễ bị cám dỗ và khi quay về không còn là chính mình nữa.
Nói chuyện bóng đá học đường nghe dễ, nhưng thực hiện sẽ rất khó do vướng nhiều ngành, và muốn gì cũng phải trải qua các bước nhiều khê, nhiều cửa và lắm chữ ký. Hy vọng là HFF lần này có những chuyển biến tích cực chứ không phải xới lên rồi để đó.
ĐỨC DŨNG