Khi được hỏi có bỏ thi tốt nghiệp THPT vào các năm tới hay không, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã nói dứt khoát: “Đổi mới thi còn trong quá trình xem xét đề xuất, nhưng chắc không bỏ thi. Vì thế giới không bỏ thi tốt nghiệp”. Thế là đã rõ quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước: Có học, có thi. Càng học càng phải thi. Và chỉ có thi mới… có học. Nhưng lẽ nào triết lý giáo dục chỉ gói gọn trong nghĩa thi cử?
Cũng về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, tuy đến ngày mai (18-6) mới có kết quả chính thức, song bức tranh sơ bộ cho thấy một màu hồng tuyệt đối của niềm vui và hạnh phúc khi ngót nghét… 100% số học sinh cầm trên tay mảnh bằng tú tài! Và như vậy, người ta càng thấy ngẩn ngơ tự vấn đã học giỏi vậy rồi cần gì thi cho tốn công, tốn của, tốn sức của toàn xã hội?
Thật sự mà nói, Bộ GD-ĐT cũng trăn trở tìm kiếm một giải pháp tuyển sinh tối ưu “2 trong 1” hoặc bỏ thi tốt nghiệp THPT hoặc bỏ thi đại học. Song càng nghĩ càng thấy ách tắc khi cả núi vấn đề chắn ngang đường: Phải tổ chức thi ra sao để phân luồng cả triệu thí sinh tham gia và công tác ra đề thế nào mới đảm bảo đánh giá chính xác lực học của từng đối tượng học sinh?...
Rốt cục, nghĩ mãi mới thấy tốt nhất là khỏi nghĩ cứ tuần tự mà thi, hết tốt nghiệp THPT rồi đến đại học. Để đảm bảo tính trung thực, nghiêm túc của kỳ thi quốc gia, Bộ GD-ĐT đã huy động hết công suất bộ máy cán bộ, CNV, giáo viên cho công tác ra đề, bảo đảm an toàn thi và kể cả chấm chéo giữa các tỉnh. Song thi thì cũng phải cho ra thi, phải có kết quả hoành tráng, có kết thúc “đẹp” và từ đó mới có chuyện ra đề cho nó “vừa phải” để học sinh trung bình cũng cán được mức 5, 6, 7 điểm. Điều này cho thấy, Bộ GD-ĐT dường như còn “lăn tăn” với chính sản phẩm do mình nhào nặn: Liệu học sinh có ngồi “nhầm” lớp không? Thực tế cho thấy đã học đến lớp 12 rồi thì chắc chắn là kiến thức, năng lực cũng phải tương đương lớp 12. Và lẽ nào 12 năm đèn sách rồi lại chỉ phụ thuộc vào mỗi kỳ thi với 6 môn thi diễn ra trong 3 ngày?
Khi mà triết lý giáo dục ở chúng ta còn chưa rõ, vẫn ở mức “thuộc lòng”, “từ chương, trích cú”, còn nặng về bằng cấp thì tất yếu phải thi những kỳ thi - nói thẳng ra - là vô bổ và hết sức lãng phí. Ở một khía cạnh khác, không thể không nói đến chuyện… dịch vụ phục dịch cho các kỳ thi. Vì có thi nên chương trình học thêm, dạy thêm nở nồi thành cả một thị trường thi quá sức chịu đựng của toàn xã hội, như có những trường ngoài công lập vì “màu cờ, sắc áo” đã buộc phải nhốt học trò cả tháng trời tại trường để ôn luyện… Khổ đến mức nhiều phụ huynh tơi tả vì con thi đã quyết bằng mọi giá vay mượn cho con đi du học nước ngoài từ lớp 11… để tránh thi!
Mà đâu chỉ có đến lớp 12 mới thi. Ngay từ mẫu giáo, người ta đã tổ chức… luyện thi cho trẻ vào lớp 1. Ở các lớp “đại học chữ to” này, trẻ cũng phải quay quắt với đủ loại “trắc nghiệm” trí thông minh, phải làm quen với… “tỷ lệ chọi” và năng lực thích nghi với môi trường thi. Tiếp đến lại một cuộc rượt đuổi thi vào lớp 6 ở các lớp tăng cường tiếng Anh và lớp “chất lượng cao” với sĩ số hạn chế. Chưa hết, lên lớp 10 là thi… ra thi với đủ cả 3 nguyện vọng và tỷ lệ chọi còn ngất ngưởng hơn trường “top” của khối đại học (đơn cử như Trường Trần Đại Nghĩa ở TPHCM có sự “chọi” ở mức 1:10,3). Nhưng rốt cuộc thi nhiều vậy mà nguồn nhân lực vẫn ở mức “không đáp ứng nhu cầu xã hội”, “thiếu và yếu”.
Trước mắt lại còn kỳ thi cuối cùng của đời học trò là thi đại học - cao đẳng với chỉ có khoảng 30% số thí sinh đoạt “vé” vào thiên đường tri thức. Và câu hỏi đặt ra là số 70% “kém may” trong thi cử sẽ làm gì? Đó chính là sự lãng phí tiền của và nhất là lãng phí tiềm năng con người.
Thiết nghĩ, Bộ GD-ĐT cần suy nghĩ thấu đáo vấn đề tuyển sinh sao cho thực tế, đáp ứng được đòi hỏi về nguồn nhân lực có khả năng tư duy độc lập, sáng tạo… Và có nhất thiết cái gì cũng phải thi?
Bích An